Quốc hội quyết định 7 đối tượng được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Quốc hội vừa thông qua Luật trợ giúp pháp lý. Theo Luật này, 7 đối tượng sẽ được trợ giúp pháp lý.
ĐBQH bấm nút thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
ĐBQH bấm nút thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Sau khi được đưa ra lấy ý kiến tại nhiều cuộc họp, sáng nay, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Tại cuộc thảo luật, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật về đối tượng được trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người cho thống nhất với các luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người thuộc hộ cận nghèo là người bị hại, người chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người Việt Nam ở nước ngoài, ...

UBTVQH cho biết, đây là nội dung được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri; cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng nhiều phương án để xin ý kiến và tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần. Theo đó, diện người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật đã bao quát và mở rộng hơn nhiều so với Luật hiện hành, tăng từ 7 nhóm (theo Chính phủ trình) lên 14 nhóm người được trợ giúp pháp lý theo những nguyên tắc đã báo cáo Quốc hội, thể hiện đúng bản chất của trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và cũng đã được đa số các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tán thành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý đối với tất cả trẻ em khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý; người dân tộc thiểu số “cư trú” mà không chỉ là “thường trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như đã được chỉnh lý tại Điều 7 của dự thảo Luật.

Đối với những người chưa được quy định trong Luật này thì vẫn có thể được các tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ pháp lý “miễn phí” theo quy định của pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật;  khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những người này vào Luật Trợ giúp pháp lý. 

Sau khi cân nhắc các ý kiến, Quốc hội đã nhất trí thông qua Dự luật này, đặc biệt với đối tượng được trợ giúp pháp lý, các ĐBQH cũng nhất trí với quy định của Dự luật.

Như vậy, Theo Quy định tại Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) vừa được thông qua,  Người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Những người thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu có khó khăn về tài chính cũng sẽ được trợ giúp pháp lý: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam;  Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;  Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Luật Trợ giúp pháp lý nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây: Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;  Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác; Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng; Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội;  Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây: Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý; Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ được trợ giúp về mặt pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Đọc thêm