Quốc hội thảo luận Luật thuế thu nhập DN sửa đổi

Theo dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông giảm từ  25% xuống còn 22%. Chi phí quảng cáo thuộc danh mục được giảm trừ thuế tăng thêm 5%. Những quy định này được xem như một sự ưu ái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vậy nhưng trong phiên thảo luận tại hội trường, phần lớn các ý kiến của đại biểu quốc hội cho rằng: Vẫn chưa đủ!

[links()]Theo dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông giảm từ  25% xuống còn 22%. Chi phí quảng cáo thuộc danh mục được giảm trừ thuế tăng thêm 5%. Những quy định này được xem như một sự ưu ái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vậy nhưng trong phiên thảo luận tại hội trường, phần lớn các ý kiến của đại biểu quốc hội cho rằng: Vẫn chưa đủ!

Cần rút ngắn lộ trình giảm thuế

Đại biểu Dương Quang Sơn - Bắc Kạn – cho rằng  Việc quy định mức thuế suất như dự thảo là chưa thực sự cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay các nước trong khu vực đã điều chỉnh khi thuế suất giảm nhiều.

Mặt khác quy định như dự thảo không đảm bảo tính ổn định của luật, chính vì vậy nên chăng cần quy định mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm xuống 20% cho tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời là cơ sở thực hiện hiệu quả về chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.

Đề nghị rút ngắn lộ trình giảm thuế, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình có ý kiến: Đến năm 2040, chúng ta đã có kế hoạch đưa thuế suất xuống 20% và thấp hơn ở những năm sau đó. Hiện nay và một vài năm tới, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu ta đưa ngay xuống 20% thì thể hiện được động viên doanh nghiệp, khoan thu được sức dân, Nhà nước cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Cần giảm ngay xuống 20% để khoan thu sức dân

Ngoài ra, doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam vì khối doanh nghiệp này đang nộp thuế suất thấp theo giấy phép trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp nộp thuế 15%, 20% suốt đời dự án. Doanh nghiệp còn vừa phải vươn ra quốc tế, trừ các doanh nghiệp lớn mới có nhiều cạnh tranh được với nước ngoài. "Tôi để nghị giảm thuế suất xuống 20% và giảm tiếp xuống khoảng 18% vào những năm sau. Không phân biệt quy mô doanh nghiệp, có như vậy chúng ta mới bảo đảm được bình đẳng trong cạnh tranh." - ông nói

Chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Bình - TP Hải Phòng dẫn giải: Thực tiễn cho thấy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông từ 28% xuống 25% không gây giảm thu ngân sách mà ngược lại giúp ngân sách nhà nước tăng thu liên tục từ năm 2009.

Nguồn thu có thể giảm trước mắt nhưng sẽ nuôi dưỡng được nguồn thu trong lâu dài. Mặt khác nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22 - 23 % vẫn là một giải pháp tuần tự. Một giải pháp có tính chất bình thường. Trong điều kiện nền kinh tế rất khó khăn như hiện nay doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp mang tính khẩn cấp và biện pháp giảm từ 25% xuống còn 20% là thích hợp.

Theo ý kiến của đại biểu thành phố Hải Phòng, việc giảm như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp đang có thu nhập hiện nay sẽ có động lực để tìm cho mình hướng đi mới. Việc giảm thuế là một chính sách đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó đòi hỏi Chính phủ có những giải pháp cụ thể để giải quyết hàng tồn kho, giảm lãi suất tìm thị trường xuất khẩu, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ. Để doanh nghiệp có nguồn vốn tái đầu tư, sản xuất kinh doanh tiêu thụ các loại hàng hóa trên thị trường kéo theo đó là việc giải phóng hàng hóa cho các doanh nghiệp khác.

Thêm một góc độ khác liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến - Hà Nam nói: Tôi cho rằng mức thuế xuất áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ điều chỉnh xuống còn 20% là hợp lý. Tuy nhiên việc dự thảo đưa ra 2 tiêu chí sử dụng dưới 200 lao động và tổng doanh thu trong năm không quá 20 tỷ đồng, đề nghị định mức thuế suất là chưa hợp lý. Bởi vì nếu tính tiêu chí doanh thu thì không khả thi, chẳng hạn năm nay doanh nghiệp vừa và nhỏ ký được hợp đồng lớn, tự nhiên trở thành doanh nghiệp lớn nhưng nếu năm sau không ký được hợp đồng lớn lại thành doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó lại có  một mức thuế suất khác là không hợp lý. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm đến 19,9 tỷ đồng sẽ không làm nữa vì họ sợ phải đóng thuế cao hơn.

“Tôi đề nghị áp dụng mức ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tính theo tiêu chí lao động và tổng tài sản, tức là doanh nghiệp phải đạt được cả hai tiêu chí nêu trên mới được hưởng mức thuế 20%.” ông nói.

Đại biểu Mai Hữu Tín - Bình Dương cũng  đề nghị xem xét lại cách  định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất nhiều doanh nghiệp của ta qua một đêm thức dậy đã trở thành doanh nghiệp lớn. Theo ông hai tiêu chí: 200 lao động và 20 tỷ doanh thu năm có thể phù hợp với doanh nghiệp nhỏ nhưng không thể coi là doanh nghiệp vừa được và Chính phủ cần đưa ra tiêu chí thuyết phục hơn.

Không nên khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị

Quy định nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15% cũng được các đại biểu tán đồng cao độ. Và cũng giống như với góp ý về mức thuế suất, nhiều đại biểu tỏ ý mong Dự luật “cởi mở” hơn nữa với doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng – thẳng thắn: Tôi thấy chưa hợp lý bởi vì nếu quy định 15% với doanh nghiệp lớn thì đủ. Nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập nếu khống chế 15% thì không đủ. Tôi đề nghị sửa theo hướng theo tỷ lệ % mà chúng ta sản xuất kinh doanh, % theo doanh thu, tính tỷ lệ % thì hợp lý hơn. Nếu chúng ta ấn định 15% thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ chi phí.

v
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Quy định 15% với doanh nghiệp lớn thì đủ, nhưng doanh nghiệp nhỏ thì không đủ"

Đại biểu tỉnh Bình Dương- ông Mai Hữu Tín nói: Việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời. Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta có thể làm tốt hơn, tôi không cho rằng việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách.

Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Thực tế những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều. Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này.- ông đưa ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cũng cho rằng quy định khống chế tỷ lệ một mức như dự án luật là gây bất lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên với tỷ lệ chi tối đa dù có lên 15% thì tổng chi tuyệt đối của họ sẽ nhỏ, rất khó để doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu.

Chung quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình cho biết: Trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước áp dụng khống chế tỷ lệ phần trăm trên doanh nghiệp là Trung Quốc và Lithuania. Nếu khống chế tỷ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta. Vô hình chung doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta.

Nhật Thanh

Đọc thêm