Cụ thể, đối với Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước (NSNN) và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019, kết quả biểu quyết cho thấy, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết bằng 95,59%; số đại biểu tán thành là 476 bằng 95,39%; số đại biểu không tán thành là 0; số đại biểu không biểu quyết là 1 bằng 0,2%.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết. |
Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 nêu rõ: giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2019 theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng NSNN; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ vi phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2019 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020...
Với Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, kết quả biểu quyết qua hệ thống biểu quyết điện tử cho thấy, có 479/479 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế; quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đồng thời, quy định rõ các định hướng công tác tài chính quốc gia: khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng thu hợp lý kết hợp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ...
Quang cảnh phiên làm việc sáng 28/7. |
Các đại biểu Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 477 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,59% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành.
Mục tiêu tổng quát Chương trình: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Nghị quyết quyết nghị giao Chính phủ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau: Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; cân đối, bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng...
Nghị quyết còn lại là Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 478 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,79% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành.
Mục tiêu tổng quát thực hiện Chương trình: Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nghị quyết quyết nghị giao Chính phủ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau: Ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt; Ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân...