Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

(PLVN) - Với 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 22/6, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, hai loại dịch vụ giao kết, thực hiện hợp đồng điện tử và dịch vụ công chứng, chứng thực là khác nhau.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

UBTVQH cho biết, dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu quy định trong Luật là việc bảo đảm thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ mà không bị chỉnh sửa, xóa trên môi trường điện tử.

Trong khi đó pháp luật về chứng thực, công chứng hiện hành quy định các hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký trong giấy tờ; chứng thực hợp đồng, giao dịch (về thời gian, địa điểm, năng lực hành vi dân sự); công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng trên môi trường thực.

Do đó, hai loại dịch vụ này là khác nhau và quy định trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến nội dung này sẽ không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ với Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh về hoạt động chứng thực.

Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, theo Báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định công nhận giá trị sử dụng hay giá trị pháp lý của các văn bản đã được chuyển đổi dữ liệu; đề nghị làm rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện chuyển đổi cũng được quy định tại các văn bản này phù hợp với từng loại thông điệp dữ liệu (ví dụ như việc chuyển đổi hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử thành văn bản giấy do tổ chức, cá nhân khởi tạo và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính thực hiện; việc chuyển đổi hoá đơn điện tử sang bản giấy do người mua, người bán thực hiện v.v…). Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, khoản 3 Điều 12 chỉ dẫn chiếu đến quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Đọc thêm