Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(PLVN) - Tại phiên họp bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều nay, 9/1, với 386/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.

Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.

Luật gồm 12 chương, 121 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trừ một số trường hợp. Trong đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2027 đối với chức danh bác sỹ; từ ngày 1/1/2028 đối với chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh; từ ngày 1/1/2029 đối với chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

Cũng tại phiên họp, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Đọc thêm