QL1 qua Hà Tĩnh chia làm nhiều dự án thành phần. Theo ông Hoàng Văn Vượng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng – Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, doanh nghiệp của ông thi công gói thầu số 10: Thi công xây lắp đoạn Km 562+000-Km 589+600 thuộc dự án thành phần 2: Nâng cấp mở rộng QL1A đoạn từ Km 556+000 đến Km 589+600 Nam tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh - Kỳ Anh (Vũng Áng) tỉnh Hà Tĩnh. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (BQLDA ATGT, nay là BQLDA 2), thuộc Bộ GTVT.
Đoạn tuyến trên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 01/2015. Bắt đầu từ đây, vì nhiều lí do khách quan mà mặt đường BTN bị hằn lún. Cụ thể, khi đường được đưa vào sử dụng, số lượng phương tiện tăng lên đột biến so với thời điểm lập dự án. Đoạn tuyến này được thiết kế từ năm 2009, phê duyệt 2010. Theo thiết kế, kết cấu áo đường có Eyc=160Mpa. Nhưng thực tế, khi đường đưa vào sử dụng, theo kết quả số liệu đếm xe của Tư vấn dự án từ ngày 22-25/10/2015 trên phạm vi dự án, với lưu lượng xe đo được tại thời điểm hiện tại khoảng hơn 13.000 lượt xe quy đổi/ngày đêm, cường độ mặt đường phải đạt 205Mpa mới đảm bảo với lưu lượng xe và tải trọng thực tế.
Cũng theo đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tuyến tránh thị xã Kỳ Anh được xây dựng với quy mô 2 làn xe, nhưng thực tế khi sử dụng đã “cõng” cho lưu lượng xe tương đương với các đoạn có quy mô của 4 làn xe lân cận. Ngoài ra, xung quanh đoạn tuyến này có 20 mỏ vật liệu xây dựng khai thác để phục vụ cho công trường xây dựng khi đó là khu Kinh tế Vũng Áng – Formosa. Nhiều xe siêu trường, siêu trọng liên tục qua đoạn tuyến này khiến áp lực đè lên mặt đường là rất lớn.
Một lí do khách quan khác, đúng lúc đoạn đường được đưa vào sử dụng cũng là thời điểm mùa hè nắng nóng. Theo số liệu của đơn vị thi công, đã có 53 ngày liên tục nắng nóng khi đường đi vào hoạt động, có thời điểm nhiệt độ đo được ở mặt đường lên đến trên 700C. “Sự cố hằn lún vệt bánh xe là không tránh khỏi”, đại diện đơn vị này cho biết.
Từ thực tế trên, năm 2015, nhà thầu đã nhiều lần báo cáo bằng văn bản đến lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư là BQLDA ATGT. Sau khi xem xét, ngày 11/5/2016, Bộ GTVT có thông báo số 231/TB-BGTVT Kết luận của thứ trưởng Lê Đình Thọ tại cuộc họp về phương án sửa chữa, tăng cường kết cấu mặt đường tại dự án trên. Kết luận này nêu rõ, đoạn từ km 562+000 – km589+600 qua thời gian khai thác đến nay cho thấy có hiện tượng tăng đột biến về lưu lượng và tải trọng trên tuyến tránh thị xã Kỳ Anh. Đoạn tuyến tránh thị xã Kỳ Anh có đặc điểm là dọc hai bên tuyến có nhiều mỏ đá, mỏ đất và các nhà máy, trạm trộn bê tông nên số lượng các phương tiện vận chuyển có tải trọng lớn. Kết luận cũng nêu rõ, tuyến tránh thị xã Kỳ Anh được xây dựng với quy mô hai làn xe nhưng đã đáp ứng cho lưu lượng xe tương đương với các đoạn có quy mô bốn làn xe.
Ngoài ra, sau thời gian bàn giao đưa công trình vào sử dụng các cơ quan: Cục QLXD và chất lượng Công trình giao thông có Báo cáo số 4149/CQLDA-DDB ngày 28/12/2015 trình Bộ Giao thông – Vận tải về chủ trương tăng cường mặt đường BTN tại một số đoạn tuyến đặc thù thuộc các dự án mở rộng QL1; Ban quản lý dự án an toàn giao thông có văn bản số 819/TSPMU-DA3 ngày 17/8/2016 về sửa chữa và tăng cường mặt đường BTN dự án thành phần 2 nâng cấp mở rộng QL 1A đoạn từ Km556+000-Km589+600 tỉnh Hà Tĩnh. Tại các báo cáo này các cơ quan cũng đã nêu rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến hằn lún mặt đường BTN.
Theo đại diện nhà thầu, nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe, hư hỏng mặt đường không phải lỗi của nhà thầu. Nhà thầu có quyền “Từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng” Theo điểm b khoản 2 điều 35 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính Phủ về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách để đảm bảo giao thông, trong thời gian chờ Bộ GTVT và Ban quản lý dự án có phương án tăng cường cường độ mặt đường, Nhà thầu đã ba lần ứng trước vốn thực hiện sửa chữa vào tháng 6/2015, tháng 11/2015 và tháng 12/2016, với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng đã 4 lần sử dụng từ kinh phí bảo hành của nhà thầu với tổng số tiền 21,9 tỷ đồng để khắc phục hằn lún.
Đại diện đơn vị thi công mong muốn Bộ GTVT có phương án để tăng cường mặt đường phù hợp với điều kiện khai thác thực tế, tránh hằn lún như hiện nay, đồng thời bố trí nguồn vốn để thực hiện và hoàn trả tiền ứng trước để khắc phục hằn lún. “Việc hằn lún là do yếu tố khách quan, không phải do đơn vị thi công”, ông Vượng nói.