Ấn Độ đối mặt khủng hoảng y tế

(PLO) - Hệ thống chăm sóc sức khỏe công không đáp ứng được yêu cầu khiến những bệnh viện tư không được kiểm soát mọc lên khắp nơi ở Ấn Độ. “Cò” bệnh viện hoành hành, các vụ sơ suất y khoa hay lạm thu là việc thường xuyên. Đó là vài mảng trong bức tranh khủng hoảng y tế hiện nay tại Ấn Độ.
Quá tải là tình trạng thường thấy ở các bệnh viện tại Ấn Độ
Quá tải là tình trạng thường thấy ở các bệnh viện tại Ấn Độ

Con anh Devendra Kashyap vừa chào đời nhưng lại gặp rắc rối về hô hấp. Bệnh viện tư nơi vợ anh sinh con đề nghị gia đình đưa đứa trẻ cơ sở khác vì bệnh viện không đủ điều kiện để chữa trị. Vội đưa con tới một bệnh viện tư khác ở gần đó nhưng anh Kashyap nhận thấy cơ sở hạ tầng ở đây cũng tồi không kém.

“Buổi tối hôm đó, các y tá mải mê nghe nhạc mà không để ý gì đến con tôi. Vào khoảng 1h00 sáng, con tôi tím tái sau khi được một y tá tiêm thuốc. Thằng bé sau đó bị nhiễm khuẩn và qua đời”, anh Devendra Kashyap kể lại. Đau buồn trước cái chết của con nhưng lại quá nghèo nên gia đình anh Kashyap sau đó trở thành một trong hàng nghìn người ở Ấn Độ phải chịu thiệt thòi do sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của đất nước. 

Theo Giáo sư K Srinath Reddy - Chủ tịch Tổ chức y tế cộng đồng Ấn Độ - khoản chi cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Ấn Độ hiện chỉ chiếm khoảng 1,4% GDP, quá thấp so với nhu cầu và đang là một vấn đề gây quan ngại lớn. Một trong những thảm kịch y tế tồi tệ nhất của Ấn Độ là vụ hơn 60 trẻ tử vong do thiếu oxy lỏng ở Bệnh viện đại học y Baba Raghav Das (BRD) ở Gorakhpur, Uttar Pradesh hồi tháng 8/2017 cũng được cho là xuất phát từ nguyên nhân này. 

Tại Ấn Độ, các bang sẽ quyết ngân sách phân bổ cho các cơ quan khác nhau nhưng các bang nghèo như Uttar Pradesh thường không ưu tiên chăm sóc sức khỏe nên mức chi cho y tế cũng rất thấp. Nhà báo địa phương Manoj Singh cho biết, Bệnh viện BRD vốn là nơi điều trị miễn phí cho khoảng 50 triệu người nhưng tất cả các hạng mục chi đều thiếu. Trong vụ việc năm ngoái, bệnh viện đã nhiều lần không thanh toán được tiền cho nhà cung cấp nên đã bị ngừng giao oxy lỏng. Là trung tâm điều trị bệnh viêm não Nhật Bản vốn gây ra các vấn đề về hô hấp, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 300 đến 350 trẻ. Kết quả của việc thiếu thốn này là chỉ trong 5 ngày, từ ngày 7 đến 11/8, hơn 60 trẻ nhập viện đã tử vong vì bị ngạt.

Nhân viên bảo trợ xã hội Vandana Prasad – một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ em - cho rằng sự thất bại của hệ thống chăm sóc sức khỏe công của Ấn Độ không chỉ nằm ở việc thiếu tiền. Theo bà này, hệ thống chăm sóc sức khỏe theo tầng nấc ở Ấn Độ bắt đầu với các cơ sở ở cấp làng bản, các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu tới các cơ sở cấp quận huyện và sau cùng là các bệnh viện kiêm giảng dạy. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các khoản đầu tư và cải tổ đều tập trung ở các cơ sở khám chữa bệnh kiêm giảng dạy. “Điều đó có nghĩa là nhiều người vẫn cố tới các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở cấp cao nhất dù họ có thể điều trị ngay ở gần nhà”, bà Prasad nói.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng điều kiện ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu rất tồi tàn, không đáp ứng yêu cầu. Ví dụ, một trung tâm ở gần Bệnh viện BRD thậm chí đã phải bổ nhiệm một dược sỹ làm giám  đốc vì không có bất cứ bác sỹ nào chịu đến làm việc. “Các bác sỹ thường chọn các bệnh viện ở đô thị vì được trả lương cao hơn. Do đó, nếu bệnh nhân muốn được bác sỹ thăm khám thì phải đến bệnh viện cấp cao hơn ở cách đó 8km”, nhà quan sát Chauhan cho hay. Bệnh viện lớn quá tải, cơ sở địa phương yếu kém khiến các bệnh viện tư không được kiểm soát mọc lên, kéo theo đó là những hậu quả như trường hợp của gia đình anh Kashyap. 

Tại Hàn Quốc, cảnh sát nước này ngày 12/1 cho biết vệ sinh không tốt tại đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện đại học Ewha ở Seoul đã khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 4 tháng qua. 5 nhân viên y tế, bao gồm 2 bác sỹ và 3 y tá – đã bị khởi tố về tội vô ý làm chết người vì sự bất cẩn của họ đã khiến các trẻ em tử vong. Cáo trạng được đưa ra dựa trên kết quả xét nghiệm máu cho thấy 4 trẻ sinh non đều bị nhiễm cùng loại vi khuẩn kháng thuốc dẫn tới bị sốc nhiễm khuẩn.

Đọc thêm