“Bóng ma” khủng hoảng ám ảnh Ai Cập

(PLO) - Sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng với những bất ổn về kinh tế và chính trị, Ai Cập lại tiếp tục rung chuyển trước những vụ đánh bom khủng bố liên tiếp nhắm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo. 
Những vụ khủng bố liên tiếp khiến Ai Cập chao đảo
Những vụ khủng bố liên tiếp khiến Ai Cập chao đảo

Mới đây nhất là hai vụ đánh bom vào 2 nhà thờ Cơ đốc giáo tại miền Bắc Ai Cập vào sáng ngày 9/4, làm ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương.

Một ngày sau đó, nội các Ai Cập đã thông qua tình trạng khẩn cấp toàn quốc kéo dài 3 tháng tại nước này. Trước đó vào tối 9/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 3 tháng sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Theo ông Abdel Fattah el-Sisi, động thái này là nhằm bảo vệ đất nước và ngăn chặn các hành động tấn công khủng bố. 

Bất ổn kéo theo…bất ổn

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) cho biết TTK LHQ Antonio Guterres bày tỏ sự thương cảm sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong hai vụ tấn công trên, tới chính phủ và nhân dân Ai Cập. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập sau hai vụ đánh bom thảm khốc tại nhà thờ Cơ Đốc giáo. Trong một tuyên bố, Tổng thống Hollande cho rằng Ai Cập một lần nữa bị tấn công bởi những kẻ khủng bố muốn hủy hoại sự thống nhất và sự đa dạng của quốc gia Bắc Phi này. Nhà lãnh đạo Pháp cam kết tăng cường hợp tác với giới chức Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. 

Bất ổn về chính trị sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế, đặc biệt là đối với ngành du lịch, vốn có vai trò như một “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp đến 11,4% nền kinh tế Ai Cập trong năm 2015. Trước khi xảy ra hai vụ tấn công kể trên, ngành công nghiệp “không khói” này đã thoái trào nghiêm trọng sau một loạt sự cố. Hồi tháng 10/2015, một chiếc máy bay của Nga đã gặp tai nạn tại Sinai khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Nga. Trước đó, hồi tháng năm, cả Ai Cập bàng hoàng trước thông tin máy bay của hãng hàng không quốc gia nước này gặp tai nạn, mang theo sinh mạng của 66 người, trong đó có 15 người mang quốc tịch Pháp. Kết quả là, theo số liệu từ văn phòng thống kê Ai Cập Capmas, số lượt khách du lịch đến với nước này trong tháng 7/2016 đã giảm 41,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo hãng lữ hành Thomas Cook, kể từ năm 2012, số khách du lịch của hãng có nhu cầu đến quốc gia Bắc Phi cũng đã hạ từ 6% xuống chỉ còn chưa đến 3%. Trong khi đó, phía Bắc của thành phố Sharm el-Sheikh, nơi từng được coi là “miễn nhiễm” trước những ảnh hưởng của sự suy thoái ngành du lịch, nay cũng đang gặp nhiều khó khăn. Những thị trấn ven biển như Dahab và Nuweiba từng thu hút rất nhiều khách du lịch đến từ Vương quốc Anh và Nga cùng các nước châu Âu khác cũng trở nên vắng vẻ hơn nhiều. Theo báo cáo của Capmas, số lượt khách từ Nga, Vương Quốc Anh, Đức đến du lịch tại Ai Cập đã lần lượt giảm 60%, 17,5% và 10,4% vào tháng 7/2016 so với cùng kỳ năm 2015. 

Vòng xoáy giảm tốc

Bất ổn an ninh và chính trị đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế - hai nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập - xa lánh nước này. Kinh tế Ai Cập trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, giữa lúc một loạt lĩnh vực chủ chốt như du lịch, doanh thu từ kênh đào Suez, kiều hối, đầu tư nước ngoài... giảm mạnh.

Bên cạnh đó, giá dầu mỏ sa sút thời gian qua cũng khiến các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ tài chính mà một số đồng minh khu vực dành cho Ai Cập cũng trở nên eo hẹp hơn. Báo cáo được công bố hồi đầu tháng 11/2016 của Bộ Kế hoạch Ai Cập cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong tài khóa 2015/2016 chỉ đạt 4,3%, giảm đáng kể so với mức tăng 6,7% của tài khóa trước và thấp hơn so với mức mục tiêu 4,5-5% của Cairo. 

Sự lạnh nhạt của du khách quốc tế đã đẩy nền kinh tế Ai Cập rơi vào vòng xoáy giảm tốc, thậm chí ngay cả khi chính phủ nước này cố khẳng định rằng những dự án trên quy mô lớn như dự án xây dựng kênh đào Suez thứ hai sẽ có thể làm thay đổi tình hình.

Ai Cập đã phải chấp nhận vay 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với điều kiện Cairo tiếp tục hạn chế hơn nữa các chính sách trợ giá và tiến hành phá giá đồng nội tệ lần thứ hai trong năm 2016. Kết quả là lạm phát tăng cao đối với các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Đó là còn chưa kể đến quyết định bất ngờ áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) của chính phủ đã làm người dân điêu đứng. 

Mới đây nhất, trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ngày 2/4 đã thảo luận với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim tại Washington (Mỹ) về những cải cách kinh tế đang được Ai Cập triển khai, cũng như hợp tác song phương trong các dự án phát triển lớn thuộc một số lĩnh vực như năng lượng và giao thông vận tải.

Quan chức WB hoan nghênh những bước cải cách nghiêm túc mà Ai Cập đang triển khai nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng cơ cấu của nền kinh tế, áp dụng các biện pháp khuyến khích, thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

WB đã giải ngân 2 tỷ USD cho Ai Cập trong gói cho vay 3 tỷ USD để hỗ trợ chương trình cải cách kinh tế. Theo số liệu của WB, hiện tổ chức này đang triển khai 26 dự án tại quốc gia Bắc Phi, với tổng số vốn cam kết là 5,92 tỷ USD.

Trong khuôn khổ hợp tác quốc gia của WB (CPF) giai đoạn 2015-2019, Ai Cập cũng sẽ được cung cấp khoảng 8 tỷ USD để hỗ trợ các khu vực quan trọng của nền kinh tế. Các dự án của WB ở Ai Cập liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nước và nước thải, nông nghiệp và thủy lợi, dân số và sức khoẻ, và các mạng lưới an sinh xã hội; hỗ trợ các dự án tạo nhiều việc làm và tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ngoài WB, Ai Cập cũng nhận được hỗ trợ từ những tổ chức quốc tế khác. Trong một tuyên bố ngày 1/4, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Ai Cập Sahar Nasr cho biết quốc gia Bắc Phi đã nhận được khoản giải ngân 500 triệu USD thứ hai thuộc gói hỗ trợ 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB). Khoản vay của AfDB được triển khai trong thời gian ba năm nhằm hỗ trợ các chương trình của Chính phủ Ai Cập vì mục đích phát triển kinh tế xã hội, bằng cách tạo ra nhiều việc làm mới và cải thiện môi trường kinh doanh.

Ai Cập đã nhận được khoản giải ngân 500 triệu USD đầu tiên của AfDB trong tháng 12/2015. Bộ trưởng Nasr hoan nghênh việc giải ngân khoản vay của AfDB, đồng thời nhấn mạnh rằng số tiền này sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án phát triển thuộc các khu vực khó khăn nhất của Ai Cập và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về phía mình, Đại diện của AfDB tại Ai Cập Leila El-Mokadem bày tỏ niềm vui khi hợp tác với Chính phủ Ai Cập, nhằm tăng cường và hỗ trợ nền kinh tế, cũng như thúc đẩy sự phát triển của đất nước Bắc Phi và nâng cao mức sống của người dân. Quan chức AfDB cũng xác nhận rằng ngân hàng này trong năm 2017 sẽ giải ngân 500 triệu USD còn lại cho Ai Cập. 

Tìm lối hợp tác

Ai Cập rơi vào tình trạng bất ổn kể từ cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào ngày 25/1/2011. Chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, người Cơ đốc giáo cùng sống chung hòa bình trong hàng thế kỷ qua với người Hồi giáo chiếm đa số tại nước này. Tuy nhiên, cộng đồng người Cơ đốc giáo thường xuyên là mục tiêu tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong những năm qua, tại Ai Cập đã xảy ra nhiều vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo. Theo thống kê của cơ quan an ninh Ai Cập, riêng trong năm 2011 đã xảy ra 11 vụ đánh bom liều chết do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo trên khắp đất nước Kim Tự tháp. 

Để đối phó với tình trạng này, Cairo đã đẩy mạnh hợp tác với một số quốc gia trong khu vực như Jordan, Bahrain hay các nước Arab nhằm đưa ra chiến lược thống nhất trong việc ngăn chặn những kẻ khủng bố và các tổ chức cực đoan sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội nhằm lôi kéo, tuyển mộ và tuyên truyền những tư tưởng bạo lực, cực đoan, nhất là trong thanh niên. Ngoài ra, Cairo cũng muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ.

Ngày 4/4, tại cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Herbert Raymond McMaster, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh rằng ông mong đợi một “sự khởi đầu tốt đẹp” trong quan hệ Mỹ-Ai Cập, sau cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 3/4. Thông báo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập cho biết, trong cuộc gặp với ông McMaster, ông El-Sisi khẳng định rằng hợp tác an ninh và quân sự giữa hai nước là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tăng cường mối quan hệ chiến lược cũng như hợp tác an ninh và quân sự, chủ yếu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố...