Chính phủ Pháp nỗ lực xoa dịu người biểu tình

(PLO) - Tối 10/12 (giờ Pháp, rạng sáng 11/12 giờ Việt Nam), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố một loạt các biện pháp tài chính nhằm xoa dịu cuộc nổi dậy “áo vàng” vốn đã dẫn đến những cuộc biểu tình bạo lực trên khắp cả nước này suốt cả tháng qua.
Những người biểu tình “áo vàng” ghi lại các phát biểu của ông Macron
Những người biểu tình “áo vàng” ghi lại các phát biểu của ông Macron

Theo AFP, trong một bài phát biểu kéo dài 15 phút được truyền hình trực tiếp từ Điện Elysee, ông Macron đã nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước này. Ông cũng tìm cách xoa dịu những chỉ trích về phong cách lãnh đạo của ông bằng một giọng điệu được đánh giá là khiêm tốn hơn bình thường. “Tôi biết những tuyên bố của tôi đã làm tổn thương một số người trong các vị”, ông nói. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng những cuộc biểu tình xảy ra vừa qua là kết quả của những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua chứ không phải những vấn đề mới nổi lên gần đây.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp cũng đã công bố một loạt các biện pháp nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội mà nước Pháp đang đối mặt. Trong số đó, ông Macron thông báo, kể từ đầu năm 2019, mức lương tối thiểu của người lao động ở nước này sẽ được tăng thêm 100 euro (113 USD) mỗi tháng.

Tổng thống Pháp cũng thông báo sẽ rút lại quyết định tăng thuế trích từ lương hưu của hầu hết người lao động về hưu. Cùng với đó, toàn bộ tiền làm thêm giờ và khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động Pháp tới đây cũng sẽ không phải chịu bất cứ khoản thuế nào. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi các doanh nghiệp có đủ điều kiện trả thưởng cho người lao động vào cuối năm.

Các thông báo trên được ông Macron đưa ra sau khi ông đã có cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ đồng hồ với các bộ trưởng trong Chính phủ, các lãnh đạo Quốc hội, đại diện doanh nghiệp và người lao động cũng như giới chức các khu vực trên cả nước về cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Trước đó, ông từng tuyên bố sẽ không lùi bước trước những cuộc biểu tình đường phố như những người tiền nhiệm. Song, khi các nỗ lực ban đầu để dẹp biểu tình không thành công và các cuộc bạo loạn đã kéo sang tuần thứ 4, Chính phủ Pháp hồi tuần trước đã đồng ý hủy việc tăng thuế nhiên liệu theo kế hoạch – vốn là nguồn cơn của các cuộc biểu tình “áo vàng”.

Mặc dù vậy nhưng động thái này của Chính phủ Pháp vẫn được cho là quá ít và quá muộn. Cuối tuần qua, người biểu tình ở Pháp vẫn tiếp tục xuống đường gây sức ép buộc Chính phủ phải có thêm những nhượng bộ nhằm giảm sự bất công. Các cuộc biểu tình này đã khiến Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 10/12 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4 xuống chỉ còn 0,2% so với dự báo 0,4% được đưa ra trước đó và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,8% cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng 1,7% do Chính phủ Pháp đề ra.

AP cho biết, trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 11/12, Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho biết các biện pháp tài chính và giảm thuế do ông Macron công bố nhằm hạ nhiệt biểu tình sẽ tốn khoảng từ 8 đến 10 tỉ euro (9 đến 11 tỉ USD). Theo ông Griveaux, Chính phủ Pháp sẽ tiết kiệm ngân sách để có thể trang trải tài chính cho các biện pháp này.