Chồng hiếp vợ, các nước xử thế nào?

(PLO) -Hãm hiếp trong hôn nhân – cụm từ thoạt nghe không mấy lọt tai nhưng trên thực tế lại là tình trạng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Một phần nguyên nhân là do luật pháp của các nước này còn xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề và chưa hình sự hóa loại hình phạm tội này.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hãm hiếp trong hôn nhân là gì?

Hãm hiếp trong hôn nhân là hành vi quan hệ tình dục không có sự đồng thuận trong đó thủ phạm là bạn đời của nạn nhân. Hành vi này được luật pháp của một số nước trên thế giới ghi nhận là một dạng hãm hiếp, lạm dụng tình dục hoặc là hành vi bạo lực gia đình.

Theo các thống kê, nạn nhân của tội phạm hãm hiếp trong hôn nhân chủ yếu là phụ nữ. Có người bị ép buộc quan hệ tình dục một lần nhưng phần lớn các nạn nhân phải chịu đựng hình thức bạo lực này trong những quãng thời gian kéo dài. Hãm hiếp trong hôn nhân trước đây phần lớn không được luật pháp và dư luận ở các nước công nhận là hành vi phạm tội hay hành vi sai trái.

Hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới phản đối hành vi hiếp dâm trong hôn nhân và ngày càng có nhiều nước tội phạm hóa hành vi này. Song, ở nhiều nước, hành vi này vẫn hoặc là vấn đề không được luật pháp đề cập đến hoặc được quy định là hành vi bất hợp pháp nhưng vẫn được tha thứ.

Luật hiếm khi được thực thi vì nhiều yếu tố, từ việc nhà chức trách tỏ ra lưỡng lự trong việc truy bắt những người vi phạm tới việc người dân vẫn chưa nhận thức được rằng việc ép buộc bạn đời quan hệ tình dục là hành vi bất hợp pháp.

“Món đồ chơi”

Vén tay cài chiếc mạng che kín khuôn mặt, Rashmi nhìn đi nhìn lại để đảm bảo rằng sẽ không ai có thể nhận ra cô khi cô chuẩn bị tham gia cuộc phỏng vấn trước camera. Người phụ nữ 26 tuổi này là một nạn nhân của vấn nạn hãm hiếp trong hôn nhân – một vấn đề từ lâu đã gây nhức nhối tại Ấn Độ.

“Với anh ta, tôi chỉ như một thứ đồ chơi mà anh ta nghĩ rằng anh ta có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau vào mỗi đêm. Mỗi khi chúng tôi xảy ra cãi vã, anh ta lại đẩy tôi lên giường để trả thù. Nhiều lần tôi đã van nài xin anh ta không đến gần tôi vì tôi không được khỏe nhưng anh ta không chấp nhận việc bị từ chối và vẫn ép buộc tôi phải quan hệ, kể cả khi tôi đang trong chu kỳ kinh nguyệt” – Rashmi kể lại.

Ảnh minh họa.ST
Ảnh minh họa.ST

Là một phụ nữ trẻ được học hành đàng hoàng, khi đến tuổi trưởng thành, Rashmi nảy sinh tình cảm với một đồng nghiệp làm cùng công ty và quyết định kết hôn với anh ta. Tuy nhiên, cô nói rằng quan hệ giữa họ chưa bao giờ bình đẳng và đồng thuận.

“Tôi vẫn nhớ như in buổi tối ngày 14/2/2014, là ngày sinh nhật của anh ta. Chúng tôi đã có một cuộc cãi vã vô cùng gay gắt nhưng sau đó anh ta vẫn ép tôi phải chiều anh ta. Tôi đã chống cự mạnh nhất có thể nhưng anh ta vẫn không dừng lại. Sau đó anh ta đã lấy một cây đuốc và gí vào vùng kín của tôi. Tôi đã phải nhập viện và bị chảy máu trong suốt 60 ngày sau đó” - cô kể lại.

Rời viện về nhà, Rashmi đã đâm đơn kiện ra tòa. Tuy nhiên, hồi tháng 2/2015, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bác bỏ đơn kiện của Rashmi đề nghị quy định hãm hiếp trong hôn nhân là hành vi phạm tội hình sự và rằng tòa này không thể yêu cầu sửa luật vì một người bởi tại Ấn Độ hiện nay, một người đàn ông cưỡng hiếp vợ mình không phải là tội. Và nhiều người ở nước này hiện vẫn cho rằng hôn nhân là để người đàn ông thỏa mãn nhu cầu tình dục, do đó người vợ phải phục vụ chồng.

Không phải duy nhất

Điều đáng nói ở đây là tại Ấn Độ có đến 94% các vụ hãm hiếp mà thủ phạm có quen biết nạn nhân. Theo một thống kê do tờ CNN trích dẫn, số phụ nữ bị chính chồng của họ tấn công tình dục cao hơn 40 lần so với số phụ nữ bị những người đàn ông mà họ không biết tấn công.

Tuy nhiên, cũng tại nước này, tình trạng hãm hiếp trong hôn nhân vẫn được xem là hợp pháp. Luật hình sự sửa đổi năm 2013 của nước này ghi rõ việc quan hệ tình dục do một người đàn ông thực hiện với vợ của anh ta và người vợ không dưới 15 tuổi không phải là hành vi cưỡng hiếp. Quy định này cho đến nay vẫn được giữ nguyên, bất chấp những kêu gọi sửa đổi từ các cá nhân và tổ chức ở cả trong và ngoài nước trong thời gian qua.

Năm 2014, Trung tâm Quốc tế Vì Phụ nữ và Quỹ dân số LHQ (UNFPA) đã tiến hành một cuộc thăm dò đối với 9.205 nam giới và 3.158 phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi ở 7 bang của Ấn Độ. Kết quả sau đó cho thấy 1/3 trong số những người đàn ông được hỏi thừa nhận đã từng ép buộc vợ mình phải quan hệ tình dục.

Ấn Độ cũng không phải là nước duy nhất trên thế giới nơi người chồng có được quyền ưu tiên như vậy. Một báo cáo cho biết trên thế giới vẫn đang có 49 nước không hình sự hóa hành vi cưỡng ép bạn đời.

Tại Singapore, một người đàn ông sẽ không bị buộc tội hãm hiếp nếu nạn nhân là bạn đời của anh ta và nạn nhân từ 13 tuổi trở lên, trừ trường hợp cặp đôi đó đang sống ly thân hay đã ly hôn và tòa đã ra lệnh cấm người đàn ông tiếp cận vợ cũ của mình. Và tại Malta, một vụ bắt cóc bạo lực có thể được hủy bỏ nếu thủ phạm kết hôn với nạn nhân.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước theo đạo Hồi, nơi những quy định truyền thống buộc phụ nữ phải ở nhà, phải làm hài lòng những người đàn ông trong gia đình, chăm sóc con cái và không được tham gia các công việc bên ngoài xã hội. Những quy định đó một phần hạn chế những quyền của phụ nữ, mặt khác khiến họ không có kết nối với thế giới bên ngoài nên dễ bị đẩy vào tình trạng bị cô lập khi trở thành nạn nhân của nạn cưỡng hiếp trong hôn nhân.

Bên cạnh đó, theo luật tục ở một số nước ở châu Phi, việc cưỡng ép tình dục trong hôn nhân không bị cấm dù cũng có những ngoại lệ người vợ được từ chối đòi hỏi tình dục từ chồng như phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ, sau khi sinh con, đang trong chu kỳ kinh nguyệt hay đang để tang người thân.

Tín hiệu mừng

Song, những trường hợp như trên đang ngày càng trở nên hiếm hoi hơn bởi việc miễn trừ trách nhiệm của thủ phạm trong các vụ cưỡng hiếp trong hôn nhân đang ngày càng được nhiều nước trên thế giới xem là hành vi không phù hợp với các khái niệm về nhân quyền và bình đẳng.

Những người ủng hộ quyền của phụ nữ kể từ những năm 1960 đến nay đã đấu tranh không mệt mỏi để yêu cầu chính phủ các nước bỏ quy định miễn trừ đối với vấn nạn hãm hiếp trong hôn nhân và hình sự hóa hành vi này. Tháng 12/1993, Cao ủy LHQ về nhân quyền đã công bố Tuyên bố về loại trừ tình trạng bạo lực chống lại phụ nữ, theo đó nêu rõ hành vi hãm hiếp trong hôn nhân là hành vi vi phạm nhân quyền.

Quyền được quyết định vấn đề về tình dục của phụ nữ đang ngày càng được công nhận rộng rãi là một trong những quyền cơ bản của phụ nữ. Năm 2012, Cao ủy của LHQ về nhân quyền Navi Pillay dẫn báo cáo năm 2011 của cơ quan của LHQ về phụ nữ cho biết tính đến tháng 4/2011 đã có ít nhất 52 nước trên thế giới cấm rõ ràng hành vi hãm hiếp trong hôn nhân trong bộ luật hình sự của họ.

Với việc quy định như vậy, các hành vi chồng/vợ ép buộc bạn đời phải quan hệ tình dục trái ý muốn của họ đều bị xem là hành vi cưỡng hiếp và sẽ bị xét xử với khung hình phạt chung của tội hiếp dâm, mà bản án thường là phạt tù.

Ví dụ, tại Áo, việc hãm hiếp trong hôn nhân đã được hình sự hóa vào năm 1989 và đến năm 2004, luật pháp nước này quy định rõ thủ phạm có thể bị nhà nước truy tố kể cả trong trường hợp nạn nhân không đệ đơn khiếu nại và việc xét xử sẽ được tiến hành theo trình tự thủ tục tương tự như việc người phụ nữ bị người lạ hãm hiếp.

Tại Hy Lạp, luật được ban hành năm 2006 đã quy định rõ việc trừng phạt đối với tội hãm hiếp trong hôn nhân đồng thời cấm một số hình thức bạo lực nhằm vào phụ nữ khác trong hôn nhân và các mối quan hệ chung sống khác như sống thử.

Đọc thêm