Cuộc cách mạng kỳ vọng giải phóng sức lao động ở Trung Quốc

(PLVN) - Trên một cánh đồng ở miền đông Trung Quốc, chiếc máy gặt đập liên hoàn mới thoăn thoắt di chuyển, thu hoạch những bông lúa đã chín vàng. Điều đáng chú ý ở đây là chiếc máy hoạt động tự động hoàn toàn, không có người điều khiển.
Một chiếc máy trong sản xuất nông nghiệp được thử nghiệm tại Trung Quốc
Một chiếc máy trong sản xuất nông nghiệp được thử nghiệm tại Trung Quốc

Kế hoạch tham vọng

Nguyên mẫu chiếc máy gặt đập liên hoàn màu xanh lá cây nói trên đã được đưa ra thử nghiệm tại tỉnh Giang Tô vào mùa thu năm ngoái. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các công ty của nước này phát triển những loại máy móc có khả năng trồng, bón phân và thu hoạch từng loại cây trồng chủ lực của Trung Quốc như lúa, lúa mì và ngô hoàn toàn tự động trong vòng 7 năm.

Để hướng tới mục tiêu này, Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ cho các cuộc thử nghiệm công nghệ tại các địa phương trên cả nước thông qua Liên minh Ứng dụng Công nghiệp Telematics (TIAA). Các thành viên của TIAA gồm Công ty sản xuất máy kéo Nhà nước YTO, nhà sản xuất hệ thống định vị Hwa Creat cùng Công ty công nghệ và khoa học công nghiệp nặng Zoomlion, đơn vị đã phối hợp với Đại học Giang Tô để phát triển chiếc máy gặt đập liên hoàn nói trên. 

Sau cuộc thử nghiệm ở Giang Tô, đơn vị sản xuất cho biết, trong nửa đầu năm 2019, công ty sẽ phối hợp với các bên liên quan tiến hành thử nghiệm tiếp với chiếc máy gặt đập tự động tại các tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc và khu vực đồi núi ở thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc để có thêm những đánh giá về hoạt động của chiếc máy.

Các sản phẩm máy móc trong nông nghiệp đã được Trung Quốc đưa vào chiến dịch “Sản xuất ở Trung Quốc vào năm 2025”, đồng nghĩa với việc nhiều thiết bị nông nghiệp của nước này đến thời điểm đó sẽ được sản xuất hoàn toàn trong nước. Trước sản phẩm máy gặt đập tự động nói trên, các công ty của Trung Quốc cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các sản phẩm tự động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ, theo ông Lei Jun, Giám đốc điều hành trung tâm công nghệ của Công ty YTO, vào năm 2017, công ty đã phát triển được chiếc máy kéo không người lái đầu tiên và hiện đang hướng tới sớm sản xuất hàng loạt sản phẩm này.

Công ty công nghiệp nặng Lovol hồi tháng 4/2018 cũng đã ký được hợp đồng với hãng Baidu để ứng dụng hệ thống lái tự động Apollo của Baidu vào sản phẩm máy nông nghiệp của hãng. “Trung Quốc dự kiến sẽ leo rất nhanh trên thang công nghệ tự động, chủ yếu là do các công ty của Trung Quốc có thể tiếp cận với hệ thống vệ tinh định vị bản địa, giúp họ có lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh quốc tế”, ông Alexious Lee, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại Công ty môi giới CLSA Hong Kong, nhận định. Công nghệ bán tự động hiện đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ nhưng chưa có nước nào sản xuất hàng loạt máy kéo, máy gặt đập liên hợp tự động hoàn toàn.

 

Trở ngại máy giá cao, ruộng manh mún

Chuyển đổi sang tự động hóa đang được cho là chìa khóa cho ngành nông nghiệp của nền kinh tế số 2 thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng già hóa lực lượng lao động nông thôn và những người trẻ thì không sẵn sàng chịu đựng những khó khăn đối mặt khi làm nông nghiệp. Các quốc gia khác như Australia và Mỹ cũng đang thực hiện các bước tương tự khi đối mặt với áp lực nhân khẩu học như vậy. Song, quy mô của ngành nông nghiệp Trung Quốc có nghĩa là yêu cầu về tự động hóa nông nghiệp càng cao hơn.

Ông Cheng Yue, Tổng giám đốc của hãng sản xuất máy kéo Changzhou Dongfeng CVT, đơn vị phát triển chiếc máy gặt đập nói trên, nhận định, nông nghiệp tự động là con đường phía trước của ngành nông nghiệp Trung Quốc và nhu cầu ở đây rất lớn. Tuy nhiên, con đường đến với tự động hóa trong ngành nông nghiệp ở Trung Quốc được cho là còn dài và đầy những trở ngại như chi phí cao, địa hình đa dạng và việc các cánh đồng chỉ có quy mô nhỏ. “Tôi đã nghe nói về máy kéo không người lái. Nhưng tôi không nghĩ rằng những thiết bị đó là thực tế, nhất là những chiếc máy lớn”, ông Li Guoyong, một nông dân trồng lúa mì ở tỉnh Hà Bắc, nói. Theo ông Li, hầu hết các trang trại trong khu vực của ông chỉ có kích thước vài ha, không phù hợp với các loại máy móc tự động.

Nhiều nông trại ở Trung Quốc có diện tích quá nhỏ để có thể sử dụng máy kéo thông thường. Theo thống kê, hơn 90% số cánh đồng ở Trung Quốc rộng chưa đến 1 ha, khiến cho việc hoạt động của máy móc không người lái trở nên không hề thuận lợi. Thêm vào đó, những chiếc máy kéo không người lái có giá đến khoảng 90.000 USD, cao gấp 4 lần các sản phẩm thông thường và là khoản tiền nằm ngoài tầm với trong ngắn hạn đối với nhiều người.

Dù vậy nhưng các nhà phân tích và các quan chức trong ngành công nghiệp tự động hóa thiết bị nông nghiệp của Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, các nông trại có xu hướng rộng lên nhờ những cải cách về quyền sử dụng đất đang được triển khai, cho phép nông dân thuê thêm diện tích. Hệ thống cảm biến trên máy móc, giúp theo dõi tình trạng cây trồng, cũng có thể được cải thiện để điều chỉnh nhanh hơn trong các điều kiện hoạt động khác nhau. Những yếu tố này mở ra cơ hội và triển vọng để những chiếc máy gặt đập liên hoàn hoàn toàn tự động có thể sớm xuất hiện hàng loạt ở Trung Quốc.