Động cơ và chất lượng khiến DN Trung Quốc khó vào thị trường nước ngoài

(PLO) - Trung Quốc đang đẩy mạnh các chính sách thu hút chuyên gia công nghệ nước ngoài song song với việc thiết lập sự hiện diện của người Trung Quốc ở các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa thành công trong việc thâm nhập vào thị trường năng lượng carbon thấp ở các nước.
Động cơ và chất lượng khiến DN Trung Quốc khó vào thị trường nước ngoài

Theo tờ The Diplomat, 2 chính sách nói trên của Trung Quốc nhằm mục tiêu giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh và tình trạng môi trường đang ngày càng xấu đi của nước này. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có được những thành công đáng kể trong việc bản địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo và carbon thấp. Tuy nhiên, nước này lại vẫn chưa thể có được các thành công tương tự trong các nỗ lực để thâm nhập thị trường carbon thấp ngoài biên giới. 

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải một số trở ngại đáng kể trong việc tiếp cận thị trường các nước. Hồi tuần trước, chính phủ Australia đã bác bỏ kế hoạch để Tập đoàn lưới điện Trung Quốc và Công ty cơ sở hạ tầng Cheung Kong của Hong Kong tham gia đấu thầu gói thầu mà bên thắng thầu sẽ giành được quyền kiểm soát Ausgrid – mạng lưới điện lớn nhất Australia.

Động thái trên của giới chức Australia diễn ra chỉ ít tuần sau khi chính phủ Anh cũng có động thái tương tự là hoãn việc phê chuẩn việc xây dựng dự án lò phản ứng hạt nhân Hinkley Point C để chờ đánh giá toàn diện lại về dự án này. 

Điều đáng nói là trong cả 2 vụ việc này, giới chức 2 nước trên đều viện dẫn những quan ngại về an ninh xung quanh sự tham gia của người Trung Quốc vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của họ là lý do khiến họ lưỡng lự ký kết các thỏa thuận. Trong đó, dự án Hinkley vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích mạnh mẽ, bao gồm “cánh tay phải” của Thủ tướng Theresa May – ông Nick Timothy.

Ông Timothy cho rằng sự tham gia của CGN vào dự án này có thể cho phép người Trung Quốc đánh sập mạng lưới điện của Anh nếu muốn. Lạc quan hơn, một số ý kiến khác cho rằng việc Anh lệ thuộc vào các nguồn tài chính và công nghệ của Trung Quốc trong việc vận hành chương trình điện hạt nhân có thể tạo điều kiện để Trung Quốc kiểm soát cả một lĩnh vực quan trọng của nước này trong tương lai. 

Thêm vào đó, những lo ngại về chất lượng của các sản phẩm “Sản xuất tại Trung Quốc” cũng là một phần nguyên nhân của quyết định trên nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chưa phải là nhà xuất khẩu đáng tin cậy các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến hạt nhân. Những lý do này được cho là đã khiến chính phủ của bà Theresa May tỏ ra cẩn trọng hơn trong việc thực hiện Dự án Hinkley so với chính phủ tiền nhiệm.

Nếu được chấp thuận, Hinkley Point sẽ là liên doanh xây dựng hạt nhân lớn nhất thế giới và việc danh tiếng của CGN đi kèm với dự án này sẽ là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy sự tin tưởng đối với Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển năng lượng thế giới.

Nhưng không may cho Bắc Kinh, các công ty năng lượng của Trung Quốc có thể có được năng lực tài chính và kỹ thuật để thực thi chính sách xâm nhập các thị trường nước ngoài nhưng họ lại không thể làm được việc này vì không có được niềm tin ở các nước có dự án.

Bên cạnh đó Trung Quốc được cho là sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc tăng cường hiện diện ở các thị trường năng lượng ngoài biên giới chừng nào những động cơ của họ còn bị nghi ngờ.