​Hoạt động từ thiện tại Syria: Tội ác của một số kẻ mang danh viện trợ nhân đạo

(PLO) - Theo báo cáo vừa được Chính phủ Anh công bố, vấn nạn các nhân viên cứu trợ quốc tế lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái đã diễn ra trong nhiều năm qua và thủ phạm dễ dàng di chuyển đến nơi khác mà không sợ bị phát hiện.
Phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của những kẻ mang danh viện trợ nhân đạo
Phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của những kẻ mang danh viện trợ nhân đạo

Hơn 120 nhân viên các tổ chức từ thiện hàng đầu thế giới bị sa thải trong năm 2017 vì có hành vi tình dục sai trái. Nhiều phụ nữ tại Syria đã bị lạm dụng tình dục bởi những người phân phối hàng cứu trợ thay Liên Hợp quốc (LHQ) và các tổ chức từ thiện quốc tế.

Trong khi đó, LHQ trong tuần vừa qua cho biết đã nhận được 40 cáo buộc về bóc lột, lạm dụng tình dục trong 3 tháng cuối năm 2017. Theo phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric, 15 cáo buộc trong số này nhằm vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, 17 vụ liên quan đến các cơ quan, quỹ, chương trình của LHQ trong khi 8 trường hợp nhắm đến các đối tác của tổ chức này. Hầu hết vụ việc đang được điều tra. 

Trước đó, cuộc khảo sát đánh giá về bạo lực giới hồi năm ngoái của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) kết luận việc đổi tình dục lấy hỗ trợ nhân đạo đang diễn ra ở nhiều tỉnh tại Syria. “Một số phụ nữ, cô gái trẻ buộc phải kết hôn với các quan chức trong một khoảng thời gian ngắn để được nhận những bữa ăn. Những người phân phối hàng cứu trợ xin số điện thoại phụ nữ, đưa họ về nhà và “được nhận lại thứ gì đó” hoặc gạ gẫm đổi tình lấy hàng cứu trợ”, báo cáo của UNFPA nêu rõ cũng như chỉ ra rằng những phụ nữ, trẻ em gái nào không có nam giới bảo vệ, như người góa chồng, đã ly hôn và phải đi sơ tán là những người dễ bị bóc lột tình dục.

Biết nhưng lờ đi và bao che

Theo hãng tin CNN, mới đây Ủy ban Phát triển Quốc tế của Hạ viện Anh (HCIDC) đã đưa ra báo cáo về hàng loạt các cáo buộc về quấy rối tình dục của nhân viên các tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới, trong đó có Oxfam và Save the Children, xuất hiện vào đầu năm nay. 

Những câu chuyện khủng khiếp về vấn nạn nhân viên cứu trợ cưỡng hiếp chính những người mà họ giúp đỡ, trong đó điển hình là sự vụ một cô gái vô gia cư ở Haiti bị một nhân viên tổ chức phi chính phủ (NGO) đưa cho 1 USD, sau đó tiến hành cưỡng hiếp. Những câu chuyện này đã thúc đẩy HCIDC tiến hành khởi động một cuộc điều tra về lạm dục tình dục trong các tổ chức viện trợ nhân đạo hồi tháng 2. 

Được biết, vấn nạn lạm dụng và bóc lột tình dục xảy ra “trên toàn bộ lĩnh vực cứu trợ quốc tế”. Các trường hợp bị phơi bày ra trước ánh sáng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, bởi thủ phạm khi thấy nguy hiểm có thể dễ dàng di chuyển đi nơi khác mà không sợ bị tổ chức viện trợ phát hiện. HCIDC cũng đã lên tiếng chỉ trích các tổ chức viện trợ vì không giải quyết được vấn đề, thậm chí bao che mặc dù nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc đã diễn ra trong nhiều năm liền.

“Rất nhiều lần, các báo cáo nổi cộm về tình trạng các nhân viên cứu trợ đã có những hành vi lạm dụng tình dục, các tổ chức cũng đã có những phản ứng nhưng không dứt khoát, dần dà bị lờ đi và cho qua”, báo cáo của HCIDC cho biết. 

Chủ tịch của HCIDC, Nghị sĩ Stephen Twigg nói với CNN rằng: “Báo cáo của chúng tôi đã chỉ ra sự thất bại tập thể trong khoảng thời gian ít nhất 16 năm của ngành viện trợ trong việc giải quyết vấn đề lạm dụng và bóc lột tình dục”. Theo ông, các tổ chức viện trợ đã đặt “danh tiếng” của mình lên trên phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân bị lạm dụng và bóc lột tình dục”.

Hàng loạt vụ bê bối nhói lòng 

Vấn nạn lạm dụng tình dục trong các tổ chức viện trợ nổi lên nhiều nhất và nhức nhối nhất là vào tháng 2 vừa qua. Đầu tiên là sự vụ nhân viên cấp cao của tổ chức viện trợ Oxfam có “hành động tình dục sai trái” trong khi tiến hành các hoạt động cứu trợ ở Haiti sau vụ động đất vào năm 2010. 

Cụ thể,  năm 2011, các nam nhân viên Oxfam đã trả tiền để đưa gái bán dâm địa phương, trong đó có những người chỉ từ 14-16 tuổi, về nhà khách do tổ chức này thuê để tiệc tùng truy hoan. Khi bị phát hiện, Chính phủ Anh đã triệu tập các nhà lãnh đạo của Oxfam đến để yêu cầu giải thích về cách thức xử lý vụ bê bối trên giữa lúc xuất hiện những cáo buộc tổ chức này đã tìm cách bưng bít sự việc.

Sau đó,  chính quyền Haiti đã ngay lập tức cấm Oxfam hoạt động tại nước này. Phó Giám đốc điều hành Oxfam tại Anh Penny Lawrence đã nộp đơn từ chức, đồng thời nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc xử lý “không hợp lý” vụ việc. Ngoài ra, một số nhân viên cấp cao bị sa thải sau cuộc điều tra. 

Hiện có khoảng 7.000 cá nhân ngừng quyên góp cho Oxfam và tổ chức này nhận được 26 cáo buộc khác nữa về lạm dụng tình dục kể từ sau bê bối đáng xấu hổ trên. “Oxfam tồn tại để cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất thế giới, nhưng chúng tôi lại không thể bảo vệ những người phụ nữ ở Haiti, đồng thời không báo cáo rõ tình tình thời điểm đó vì vậy chúng tôi thực sự xin lỗi”, Chủ tịch Oxfam Caroline Thomson nói. 

Sự vụ tiếp theo ngay sau đó là Phó Giám đốc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Justin Forsyth đã từ chức cũng vào hồi tháng 2, sau khi xuất hiện các cáo buộc ông có hành vi quấy rối các nữ nhân viên trong khoảng thời gian đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành tại tổ chức phi lợi nhuận “Save the Children” giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên trong thông báo từ chức trên Twitter, ông Forsyth cho biết: “Tôi muốn nói rõ ràng rằng việc tôi từ chức ở UNICEF không liên quan gì đến những lỗi lầm tôi gây ra hồi còn ở Save the Children. Chúng đã được xử lý thông qua quá trình điều tra nhiều năm về trước. Lúc đó tôi đã xin lỗi trực tiếp. Một lần nữa tôi rất xin lỗi vì những sai lầm của mình”. UNICEF nói rằng có biết những báo cáo “khiếu nại trong quá khứ” về ông Forsyth và tổ chức hoan nghênh việc ông “đã nhận ra lỗi lầm của mình”.

Cũng trong tháng 2, Hội Chữ thập đỏ cũng thông báo, 21 nhân viện bị sa thải hoặc từ chức vì đã “trả tiền cho các dịch vụ tình dục” kể từ năm 2015. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Phát triển Anh Penny Mordaunt gọi những vụ bê bối trên là hồi chuông cảnh tỉnh những tổ chức cứu trợ trong việc “làm trong sạch nội bộ” và cảnh báo sẽ cắt tài trợ những tổ chức sai phạm. 

Mắc bệnh, mang thai ngoài ý muốn 

Báo cáo của HCIDC cũng lưu ý rằng, hành vi tình dục sai trái của các nhân viên cứu trợ có một bề dày lịch sử kéo dài suốt gần 20 năm qua. Báo cáo cũng đưa ra những sự việc về bạo lực và lạm dụng tình dục các cô gái trong độ tuổi từ 13-18 trong các trại tị nạn ở Liberia, Guinea và Sierra Leone vào năm 2001. “Một nhân viên cứu trợ đã khiến tôi có thai nhưng sau đó hắn đã bỏ tôi và yêu một cô gái trẻ khác”, một nạn nhân cho biết. 

Không chỉ mang thai, các cô gái bị lạm dụng tình dục còn vướng vào nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như nạo phá thai, các bệnh lây qua đường tình dục bao gồm HIV/AIDS… Hệ lụy kéo theo sau đó là nghỉ học, không được đào tạo kỹ năng, giảm cơ hội việc làm và bị xã hội loại trừ… 

Hiện tại, với cuộc nội chiến Syria bước vào năm thứ 8, việc bóc lột và lạm dụng tình dục của các nhân viên cứu trợ là “một tính năng cố hữu” trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở đây, đặc biệt là tại các trung tâm phân phối viện trợ. Tình trạng này phổ biến đến mức một số phụ nữ Syria từ chối đi đến các trung tâm phân phối hàng cứu trợ vì sợ người ta nghĩ rằng họ buộc phải trao thân để đổi lấy số hàng mang về nhà.

Trước những nhức nhối nêu trên, báo cáo của HCIDC kêu gọi thế giới cần cải tiến các quy trình giải quyết các vụ lạm dụng tình dục, bảo vệ hệ thống pháp lý cũng như thay đổi văn hóa tại các tổ chức nhân đạo. Ngoài ra, các nạn nhân nên được quan tâm sát sao, đưa vào quá trình quy hoạch chính sách, kêu gọi thành lập một tổ thanh tra viện trợ độc lập nhằm bảo vệ và mang lại công lý cho những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.