Khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài ở Biển Đông

(PLVN) - Ngày 19/11, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi đề nghị cho biết vấn đề Biển Đông được thảo luận như thế nào tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và HNCC Đông Á lần thứ 15.
Các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15.
Các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tại các HNCC ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao Đông Á lần thứ 15, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này.

Để đạt được mục tiêu đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa.

Các nước cũng cho rằng cần đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khung khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

“Các nội dung trên đây đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố Chủ tịch của HNCC ASEAN 37 và HNCC EAS 15”, Người phát ngôn nêu rõ.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 16/11 thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu, tức vịnh Bắc Bộ, từ ngày 17 đến ngày 30/11, và cấm đi lại quanh khu vực này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, các hoạt động quân sự trên biển được phía Trung Quốc thông báo hàng hải trong thời gian từ ngày 17 đến ngày 30/11/2020 mà Bộ được biết nằm trên vùng biển của Trung Quốc, không liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Người phát ngôn cũng nêu rõ, Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như của Trung Quốc trong khu vực của mỗi nước phù hợp với UNCLOS, theo đó, hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc các quy định của hiệp định trong việc quản lý, thực thi các quyền và nghĩa vụ có liên quan, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trong khu vực. 

Đọc thêm