Macedonia trước nguy cơ đảo chính

(PLO) -Sau cáo buộc của Liên minh Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - đảng Dân chủ Đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE) cầm quyền của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski đối với phe đối lập Liên minh Dân chủ Xã hội Macedonia (SDSM), hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội và tuần hành qua nhiều đường phố lớn ở thủ đô. 
Cựu Thủ tướng Nikola Gruevski
Cựu Thủ tướng Nikola Gruevski

Bởi theo họ, thỏa thuận giữa SDSM với các đảng sắc tộc Albania sẽ đe dọa sự thống nhất đất nước và gây chia rẽ nội bộ sâu sắc. 

Thỏa thuận này đã gạt VMRO-DPMNE của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski sang một bên. Và điều này đồng nghĩa với âm mưu đảo chính bằng cách bầu ra tân Chủ tịch Quốc hội một cách bất hợp pháp, cùng đề xuất về một chính phủ liên minh bao gồm các đảng của người gốc Albania.

Động thái này diễn ra sau khi VMRO-DPMNE giành 51/120 ghế ở Quốc hội, nhiều hơn 2 ghế so với SDSM sau cuộc bầu cử hồi tháng 12-2016. Nhưng sau đó SDSM giành được sự ủng hộ của các đảng sắc tộc Albania, giúp lãnh đạo đảng này là ông Zoran Zaev kiểm soát 67 ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ.

Nhưng các đảng của người gốc Albania bị Tổng thống Gjorge Ivanov chỉ trích vì yêu cầu đưa tiếng Albania trở thành ngôn ngữ chính thức tại Macedonia. Và quyết định không trao quyền thành lập chính phủ cho SDSM và các đảng sắc tộc Albania của Tổng thống Gjorge Ivanov đã khiến Macedonia chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Bởi 4 tháng trước (9-1), ông Gjorge Ivanov đã chỉ định cựu Thủ tướng Nikola Gruevski thành lập tân chính phủ sau cuộc bầu cử hồi tháng 12-2016. Trước đó, Tổng thống Gjorge Ivanov còn ân xá cho các chính trị gia bị cáo buộc gian lận bầu cử. 

Theo giới truyền thông, trước cuộc biểu tình diễn ra hồi thượng tuần tháng 5, tòa nhà quốc hội từng bị những người biểu tình quá khích xông vào để phản đối việc bầu Chủ tịch mới là người gốc Albania và các vụ xô xát đã khiến khoảng 100 người bị thương, trong đó có cả lãnh đạo SDSM Zoran Zaev.

Theo giới truyền thông, tình hình chính trị tại thủ đô Skopje chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn mới. Kênh truyền hình Macedonia "Alsat-M" từng dẫn lời nghị sỹ Vladimir Gorchev cho rằng, SDSM đã vi phạm các nguyên tắc dân chủ khi tuyên bố (27-4) ông Talat Xhaferi, nghị sỹ thuộc "Liên minh Dân chủ vì sự liên kết" của người gốc Anbania, là Chủ tịch Quốc hội mà không tiến hành các thủ tục bỏ phiếu cần thiết.

Tổng thống Gjorge Ivanov
Tổng thống Gjorge Ivanov

Và động thái này đã khiến phong trào "Vì sự thống nhất của Macedonia" tiến hành biểu tình phản đối. Tổng thống Gjorge Ivanov đã mời lãnh đạo các đảng phái gặp nhau tại văn phòng của ông hôm 28-4 để tìm hướng giải quyết tình hình lộn xộn xảy ra tại tòa nhà quốc hội.

Đồng thời kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và tránh bị tác động bởi những thủ đoạn và thông tin xuyên tạc. Ngày 30-4, Bộ Nội vụ đã buộc tội 15 người biểu tình có hành vi "tấn công và cản trở hoạt động của cơ quan lập pháp" và đã bắt giam 5 người. 

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã chỉ trích những hành vi bạo lực kể trên, đồng thời kêu gọi các lực lượng chính trị nước này giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại và phù hợp với hiến pháp. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông bị sốc bởi thông tin kể trên, còn Ủy viên EU Johannes Hahn nhấn mạnh, bạo lực không có chỗ trong nghị viện.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga từng nhấn mạnh, sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Macedonia ngày càng có những hình thức "không thể chấp nhận được". Gần 1 năm trước (16-5-2016), Nga từng cáo buộc "các nhà tổ chức Phương Tây" tìm cách kích động "cách mạng sắc màu" tại Macedonia…

Macedonia rơi vào bất ổn từ tháng 2-2015 sau khi phe đối lập cáo buộc ông Nikola Gruevski cùng lãnh đạo cơ quan phản gián Macedonia nghe lén điện thoại của hơn 20.000 người.
Sau khi phe đối lập công bố (tháng 2-2015) đoạn băng ghi âm cho thấy nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Nikola Gruevski, có liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại, tham nhũng và dính dáng đến tội phạm, Macedonia lún sâu vào khủng hoảng chính trị.
Ông Nikola Gruevski còn bị cáo buộc nhận hối lộ 22 triệu USD để trao cho một số công ty quyền xây dựng đường cao tốc… Và theo thỏa thuận do EU làm trung gian, ông Nikola Gruevski đã từ chức để mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn.