Số người thương vong vì bom mìn cao trong năm thứ 3 liên tiếp

(PLO) - Dù thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu USD để loại bỏ bom mìn nhưng số người thương vong vì các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn ở mức cao, báo cáo của Liên Hợp quốc (LHQ) được công bố ngày 21/11 cho biết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo Giám sát bom mìn – báo cáo thường niên của LHQ, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình bom mìn trên toàn cầu - cho biết, trong năm 2017, trên toàn thế giới có hơn 7.000 người thương vong do bom mìn và các loại vật liệu nổ khác, trong đó 2.800 người thiệt mạng.

Theo báo cáo, các cuộc xung đột vũ trang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số người thương vong do bom mìn đặc biệt cao trong năm ngoái. Trong đó, chỉ tính riêng tại Afghanistan và Syria, số người thương vong do bom mìn lần lượt là 2.300 và hơn 1.900 người. Hàng nghìn trường hợp khác được ghi nhận ở các nước như Ukraine, Iraq, Pakistan, Nigeria, Libya, Yemen…

Theo báo cáo, số người thương vong do bom mìn trong năm 2017 có giảm so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao năm thứ 3 liên tiếp, với 87% các nạn nhân là dân thường, trong đó trẻ em chiếm một nửa. Đặc biệt, báo cáo nhận định số nạn nhân thương vong trên thực tế “chắc chắn” còn cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận. 

Báo cáo nhấn mạnh mức độ đầu tư quốc tế và quốc gia cho việc rà phá bom mìn đã gia tăng trong thời gian qua, là minh chứng cho nỗ lực toàn cầu trong việc hướng tới xóa bỏ bom mìn trên toàn cầu. Tác giả của Báo cáo - Loren Persi lưu ý, trong năm 2017, đầu tư của thế giới cho việc rà phá bom mìn đã tăng thêm 200 triệu USD, đạt khoảng 700 triệu USD và là mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, theo bà Persi, trái ngược với sự gia tăng các khoản đầu tư như vậy, sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân bom mìn lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong năm 2017, các nước tiếp tục có các nỗ lực để biến những khu vực trước kia từng có mìn trở thành những nơi an toàn. Theo báo cáo, trong năm 2017, các nước đã loại bom mìn trên diện tích 128km2 và hủy được 168.000 quả mìn. Những con số này đều giảm so với năm 2016.

Bà Amelie Chayer – một thành viên của Chiến dịch vận động quốc tế cấm bom mìn – cho rằng việc rà phá bom mìn cần thực hiện không chỉ ở những nơi xảy ra xung đột mà còn với cả các nước và các vùng lãnh thổ còn đối mặt với những nguy cơ từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh chưa phát nổ. “Công việc rà phá bom mìn vẫn phải tiếp tục ở những nước mà các loại bom mìn đã tồn tại trong 50 năm qua như Việt Nam, Lào và Campuchia”, bà nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh bom mìn là mối đe dọa đối với sức khỏe người dân và những người sống sót cần được đáp ứng đầy đủ về chăm sóc y tế. Bởi các nạn nhân sống sót sau tai nạn bom mìn với khuyết tật vĩnh viễn phải đối mặt với mặc cảm xã hội và môi trường, ngăn họ tham gia đầy đủ và bình đẳng trong cộng đồng. WHO cũng lưu ý về việc những người bị ảnh hưởng bởi bom mìn và các loại vật liệu nổ khác thường ở những khu vực có dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. 

Theo thống kê, có 60 quốc gia được đánh giá là bị ô nhiễm bom mìn, trong đó có hơn một nửa đã cam kết tuân thủ Hiệp ước cấm bom mìn – hiệp ước yêu cầu làm sạch bom mìn trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 4 nước có khả năng đáp ứng được thời hạn cam kết trên. Trong đó, theo Báo cáo Giám sát bom mìn, Mauritania đã hoàn thành việc rà phá bom mìn vào năm 2017. Hầu hết các nước còn lại có thể sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra vào năm 2025.