Thà thừa còn hơn thiếu

(PLO) - Bắt đầu từ tuần này và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9 tới, Chính phủ Anh đưa ra dần những hướng dẫn và khuyến nghị định hướng nhận thức và ứng xử cho thần dân và giới doanh nghiệp, chính trường và xã hội trên Vương quốc trong trường hợp xảy ra kịch bản nước Anh ra khỏi EU mà không đạt được thoả thuận nào với EU về tương lai của mối quan hệ giữa đảo quốc này và EU. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Kịch bản này còn được gọi là “Brexit cứng” tương phản với khái niệm kịch bản “Brexit mềm” cho trường hợp nước Anh ra khỏi EU mà vẫn có được những thoả thuận hợp tác với EU làm nền tảng và khuôn khổ cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Thời điểm Chính phủ Anh đưa ra những hướng dẫn và khuyến nghị nói trên không phải được lựa chọn ngẫu nhiên mà không thể khác đối với biện pháp chính sách này bởi dẫu rồi đây là “Brexit cứng” hay “Brexit mềm” thì thời điểm nước Anh ra khỏi EU vẫn là ngày 29/3 năm tới và thời điểm chấm dứt đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU về Brexit vẫn là ngày 18/10 tới.

Giữa EU và Chính phủ Anh cho tới nay đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về Brexit, nhưng chưa đạt được kết quả cơ bản đáng kể nào. Hai bên vẫn còn thời gian để đàm phán nhưng rõ ràng không nhiều nữa. Dẫu cả hai phía đều không muốn thì khả năng xảy ra kịch bản “Brexit cứng” càng ngày càng thêm thực tế.

Chuẩn bị cho khả năng xấu nhất ấy, ngay từ bây giờ chắc chắn không còn sớm gì nữa đối với cả hai bên. Đối với Chính phủ Anh, việc ấy còn rất cần thiết và cấp thiết nữa bởi tác động của nó đối với Anh còn mạnh mẽ và sâu sắc hơn đối với EU rất nhiều. Cho nên chuẩn bị kịp thời và “thà thừa còn hơn thiếu” là cách tiếp cận thực dụng hơn cả và cũng thức thời hơn cả.

Bằng việc tỏ ra sẵn sàng chấp nhận kịch bản “Brexit cứng”, Chính phủ Anh còn có thể gây áp lực nhất định đối với EU trong đàm phán về Brexit. “Tích gió thành bão”, biết đâu nhờ những tác động răn đe như thế mà rồi EU và Chính phủ Anh đạt được thoả thuận về “Brexit mềm” trước thời hạn trong thời gian tới.