Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 12 năm thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ) tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Qua đó, góp phần tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Cộng đồng thôn 3 xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông thực hiện công tác tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao.
Cộng đồng thôn 3 xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông thực hiện công tác tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao.

Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư các thôn được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Cải thiện sinh kế người dân nhờ rừng

Sau 12 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chi hơn 320 tỷ đồng tiền DVMTR; chi cho gần 600 chủ rừng tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình; tổng diện tích rừng được chi trả gần 160.000ha rừng/283.000 ha rừng của tỉnh (chiếm hơn 54%). Từ khi được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế chi trả DVMTR, các chủ rừng, cộng đồng và người dân trên địa bàn tỉnh có động lực hơn để gắn bó với rừng, góp phần giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.

Mô hình phát triển sinh kế trồng 500 gốc tre, 2000 cây lồ ô và 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.

Mô hình phát triển sinh kế trồng 500 gốc tre, 2000 cây lồ ô và 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.

Mô hình phát triển sinh kế nuôi Bò của ông A Viết Huy - Nhóm bảo vệ rừng của xã Hồng Thượng, huyện A Lưới.

Mô hình phát triển sinh kế nuôi Bò của ông A Viết Huy - Nhóm bảo vệ rừng của xã Hồng Thượng, huyện A Lưới.

Hiện nay, việc ủy thác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện ở hai nhóm đối tượng là thủy điện và nước sạch. Đối với lưu vực nội tỉnh đã trực tiếp ký 15/15 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, trong đó có 13 đơn vị thủy điện và 2 đơn vị nước sạch. Ngoài ra, có thêm hai lưu vực liên tỉnh là lưu vực thủy điện Sông Côn 2 và lưu vực thủy điện Đakrông 1, 2, 3, 4 nằm trên địa bàn tỉnh.

Có 12 cộng đồng thôn, 38 nhóm hộ và 43 hộ gia đình, cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của các ban quản lý rừng phòng hộ; trong đó số lượng thành viên tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 89% (831/931 hộ gia đình, cá nhân). Qua đó góp phần QLBVR hiệu quả, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống ven rừng.

Ngoài ra, để phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Nhân dân trên địa bàn có rừng của tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Ban điều hành Quỹ luôn chú trọng làm tốt công tác truyền thông về chính sách này, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hàng nghìn sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng…

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân tại các Nhà Cộng đồng thôn Pa Ring - Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân tại các Nhà Cộng đồng thôn Pa Ring - Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới.

Tuyên truyền tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ddeeng Pleeng II, xã Trung Sơn, huyện A Lưới.

Tuyên truyền tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ddeeng Pleeng II, xã Trung Sơn, huyện A Lưới.

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát đối với các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, UBND xã. Qua kiểm tra, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự chuyển biến tích cực, số lượng, chất lượng (năng lực, công cụ hỗ trợ) lực lượng bảo vệ rừng được nâng lên đáng kể; góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

Ông Nguyễn Tất Tùng (Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ dân, giúp các hộ nhận khoán rừng hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực được chi trả. Nhờ vậy, chất lượng cũng như số lượng rừng ngày càng cải thiện và đáng chú ý là đã tạo được lòng tin của người dân”.

Tín chỉ carbon rừng góp phần tăng thu nhập cho dân cư

Mới đây, Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng), tiến tới triển khai toàn diện về DVMTR theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà.

Theo đó, dự kiến nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện chi trả cho thêm hơn 52.000ha rừng tự nhiên khác, góp phần nâng tổng diện tích rừng được chi trả lên hơn 211.000 ha rừng (100% diện tích rừng tự nhiên được chi trả), chiếm hơn 75% diện tích rừng toàn tỉnh.

Dự kiến số tiền Quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương khoảng 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế được điều phối số tiền hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho 800 chủ rừng bao gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng tổ chức; 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.

Ngoài ra, nhiều cộng đồng dân cư tham gia thỏa thuận quản lý rừng với các chủ rừng là tổ chức sẽ được hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế lên đến 50triệu đồng/cộng đồng/năm và chi phí khoán bảo vệ rừng lên đến 90% nguồn tiền được ERPA chi trả của các chủ rừng là tổ chức.

Truyền thông lưu động tại huyện Nam Đông.

Truyền thông lưu động tại huyện Nam Đông.

Theo ông Nguyễn Tất Tùng, nguồn tiền chi trả DVMTR từ nguồn giảm phát thải sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, đảm bảo cuộc sống nhờ rừng, hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng. Đây cũng là nguồn tài chính hỗ trợ cấp thiết đầu tư các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng, góp phần gia tăng hiệu quả giảm mất rừng, phát triển rừng bền vững.

Truyền thông lưu động tại các tuyến đường dân sinh trên địa bàn huyện A Lưới.

Truyền thông lưu động tại các tuyến đường dân sinh trên địa bàn huyện A Lưới.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình công tác hằng năm; rà soát các nguồn thu tiền DVMTR và nghiên cứu đề xuất các đối tượng thu khác để ký kết hợp đồng ủy thác, nhằm gia tăng nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đổi mới các hoạt động truyền thông về chi trả DVMTR, nhằm nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Đọc thêm