Quy định chặt chẽ số lượng cấp phó có trần cấp bậc hàm cấp tướng

(PLO) - Sáng qua (27/11), Quốc hội đã thông qua hai Dự thảo Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
 Ảnh minh họa
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã được thể hiện cụ thể cấp phó có trần cấp bậc hàm cấp tướng nhằm bảo đảm ổn định số lượng cấp tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã rà soát quy định chặt chẽ số lượng cấp phó có trần cấp bậc hàm cấp tướng của từng chức vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, bảo đảm tương ứng với Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Bên cạnh đó, UBTVQH cho rằng nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (CAND) không phải là hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự vì công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự là phục vụ trong QĐND đã được Hiến pháp quy định; còn nghĩa vụ tham gia CAND là hình thức công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang với thời hạn 3 năm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với tính chất đặc thù của CAND và phù hợp với thực tiễn đã thực hiện ổn định trong nhiều năm. 
Có ý kiến cho rằng hiện số lượng sỹ quan cấp tướng nhiều nên cần rà soát để qui định cho phù  hợp điều kiện, đối với những đơn vị sự nghiệp, cơ quan chuyên môn trong QĐND làm chức năng dịch vụ công thì không nên nêu tên cụ thể mà chỉ qui định tiêu chí để xác định nhu cầu cấp tướng, có ý kiến cho rằng không nên qui định hàm  cấp tướng đối với những chức vụ trên mà chỉ nên là cấp đại tá. 
Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đề nghị bổ sung Trưởng khoa Mác- Lê-nin (Học viện Quốc phòng) là cấp tướng, còn các chức danh khác đề nghị xác định tiêu chí những vị trí có nhiều cấp tướng để qui định trong luật, đảm bảo cân đối, tương quan với các chức vụ, chức danh khác trong hệ thống chính trị hiện nay nên giữ nguyên như Dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH về cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM vào Dự thảo Luật Sỹ quân QĐND Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, UBTVQH nhận thấy việc quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an ở địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng. 
Theo đó, Tư lệnh, Bộ Tư lệnh TP.HCM là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo Quy định 28 của Bộ Chính trị có phần về việc xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thành các khu vực phòng thủ vững chắc theo tình hình mới, trong đó có lực lượng CAND. Do đó, đề nghị giữ nguyên trần quân hàm Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM là trung tướng. 
Trung tướng Phùng Khắc Đăng (ĐBQH tỉnh Sơn La)“Bước đột phá mới của Luật Sỹ quan QĐND sửa đổi là thay đổi từ trả lương theo cấp quân hàm sang trả lương theo chức vụ. Trong lịch sử thì năm 1958 chúng ta cũng đã trả lương theo chức vụ, nhưng sau đó chuyển dần sang quân hàm, bây giờ lại quay trở lại cách này. Như vậy nó phá vỡ truyền thống từ trước là trả lương theo quân hàm, nhưng tạo được công bằng cho các chức danh mà các sĩ quan được đảm nhiệm, như vậy cũng là tốt. 
Ngoài ra, cũng có một số điều kiện mới để cải thiện đời sống, cơ sở vật chất cho anh em sĩ quan hoặc là những người phục vụ trong quân đội. Riêng về quân hàm cấp tướng thì đúng là trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến khác nhau. Nhưng theo quan điểm của tôi, nhiều hay ít không quan trọng mà nó phụ thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ và yêu cầu của những chức danh cần phải có các vị trí xứng đáng để đảm nhiệm”. 

Đọc thêm