Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi đầu tháng 6/2014, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”, 6 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”, 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt Kiên bị tuyên là 30 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo này còn phải chịu hình phạt bổ sung với số tiền hơn 75 tỷ và cấm đảm nhiệm chức vụ về lĩnh vực ngân hàng, tài chính trong thời hạn 5 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
Về tội “Kinh doanh trái phép”, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm xác định Nguyễn Đức Kiên là người thành lập doanh nghiệp, khi kê khai ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu không thực hiện đúng nội dung theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cấp, không đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh theo quy định. Hành vi kinh doanh của bị cáo núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, góp vào các công ty đã vi phạm quy định tại điều 159 BLHS.
Ngoài ra, HĐXX sơ thẩm còn xác định bị cáo Kiên có hành vi kinh doanh vàng trái phép với giá trị hơn 11.000 tỷ và là người chủ mưu, trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình kinh doanh tại Cty Cổ phần (CP) Đầu tư Thương mạị B&B, thực hiện trốn thuế hơn 25 tỷ đồng.
Trong vai trò là Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Kiên đã chỉ đạo bị cáo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI) ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Cty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ tại Ngân hàng ACB.
Mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Cty ACBI nhưng Kiên vẫn chỉ đạo Giám đốc Cty ACBI và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp thể hiện chủ trương bán 20 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát, làm cho Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát tin tưởng là Cty ACBI đang quản lý và sở hữu số cổ phần này (cổ phần chưa thực hiện nghĩa vụ bảo đảm với tổ chức và cá nhân nào). Chính vì vậy mà Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã mua số cổ phần trên và chuyển 264 tỷ cho ACBI.
Giúp sức cho bị cáo Kiên trong việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên của Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, bị cáo Trần Ngọc Thanh đã bị Tòa cấp sơ thẩm phạt 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến bị phạt 5 năm tù. Tuy nhiên, hai bị cáo này đã không kháng cáo. Phán quyết của tòa, hành vi tố tụng liên quan đến hai bị cáo này cũng không bị kháng nghị.
Trong nhóm các bị cáo bị kết án về tội “Cố ý làm trái”, Tòa xác định Nguyễn Đức Kiên cùng một số bị cáo đã thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank, làm trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 718 tỷ đồng.
Các bị cáo còn có hành vi cố ý làm trái trong việc ban hành chủ trương và ủy quyền cho Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, trái quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng.
Chính vì vậy, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) bị tuyên phạt 8 năm tù; các thành viên HĐQT là Lê Vũ Kỳ bị tuyên phạt 5 năm tù, Trịnh Kim Quang 4 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù giam.
Tất cả các bị cáo này và bị cáo Kiên đều đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc cho rằng không phạm tội như Tòa sơ thẩm quy kết, đề nghị xem xét lại tội danh và các tình tiết của vụ án.
Theo một nguồn tin, thẩm phán TAND Tối cao - ông Đặng Bảo Vĩnh sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tọa phiên phúc thẩm. Ở lần xét xử này, ông Kiên sẽ mời thêm một luật sư để bào chữa cho mình, nâng số luật sư lên 5 người. Dự kiến, phiên phúc thẩm sẽ kết thúc vào ngày 8/12.