Quy định mới về khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân.
Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết. (Ảnh: VKSND tỉnh Thái Bình)
Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết. (Ảnh: VKSND tỉnh Thái Bình)

Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường; nội dung, trình tự khám nghiệm hiện trường; thu mẫu so sánh; dựng lại hiện trường; biên bản, tài liệu khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân.

Cụ thể, về công tác khám nghiệm chi tiết hiện trường, Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định, người chủ trì khám nghiệm hiện trường phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường sử dụng các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp để thực hiện các nội dung: Phát hiện, làm rõ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có). Ghi nhận, mô tả dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có). Thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có). Thu mẫu so sánh (nếu có). Mô tả hiện trường vào biên bản khám nghiệm hiện trường. Vẽ sơ đồ hiện trường. Chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết).

Khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, tiến hành đánh giá dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện, thu thập được để khai thác các thông tin phục vụ công tác điều tra: Đánh giá từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) và mối liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và với tử thi (nếu có), với các đồ vật khác tại hiện trường. Đưa ra nhận định về nguyên nhân, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện và tồn tại của dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; đặc điểm của vật gây vết.

Đánh giá giá trị chứng minh của từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; xác định những dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cần trưng cầu giám định. Đánh giá số lượng, đặc điểm về đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân hoặc những người liên quan khác (nếu có) đã có mặt tại hiện trường. Đánh giá hậu quả tác hại do vụ việc gây ra.

Đối với đánh giá kết quả khám nghiệm hiện trường: Xác định những kết quả đã đạt được; xác định những vấn đề còn thiếu, sót cần bổ sung, những nội dung cần xem xét lại tại hiện trường.

Đóng gói, niêm phong dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử đã phát hiện, thu thập được và mẫu so sánh (nếu có) theo đúng quy định. Hoàn thành biên bản khám nghiệm hiện trường; thống kê số lượng, các loại sơ đồ hiện trường đã vẽ; số lượng, các loại ảnh hiện trường đã chụp vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Người chủ trì khám nghiệm tuyên bố kết thúc khám nghiệm, giải phóng hiện trường hoặc tuyên bố kết thúc buổi khám nghiệm và tiếp tục công tác bảo vệ hiện trường để khám nghiệm lại hoặc khám nghiệm lần sau (nếu cần thiết).

Đối với công tác dựng lại hiện trường, Thông tư 98/2024/TT-BCA nêu rõ, trường hợp hiện trường bị xáo trộn, sau khi khám nghiệm chi tiết, nếu thấy cần thiết có thể dựng lại hiện trường theo sự trình bày của người làm chứng, người bị hại, người phạm tội hoặc người khác có liên quan đến vụ việc, vụ án nhằm kết hợp kết quả phát hiện, thu lượm, đánh giá các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện với tình trạng hiện trường được dựng lại để nhận định về diễn biến của vụ việc, hành động của đối tượng ở hiện trường. Việc dựng lại hiện trường phải được ghi nhận, mô tả đầy đủ trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

Bên cạnh đó, Thông tư 98/2024/TT-BCA cũng quy định rõ nguyên tắc khám nghiệm hiện trường. Theo đó, khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định của Thông tư 98/2024/TT-BCA và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường.

Nhanh chóng, kịp thời, thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, toàn diện, khoa học và chính xác. Người chủ trì khám nghiệm hiện trường phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường khác, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phải chịu trách nhiệm chung về kết quả khám nghiệm hiện trường.

Quá trình khám nghiệm hiện trường phải đảm bảo an toàn cho lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm. Việc cung cấp thông tin, chuyển giao tài liệu, kết quả công tác khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật và ngành Công an.

Thông tư 98/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 1/2/2025.

Đọc thêm