Quy định mới về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) phương tiện giao thông đường sắt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VNR)
Ảnh minh họa. (Nguồn: VNR)

4 loại hình kiểm tra chất lượng ATKT và BVMT phương tiện giao thông đường sắt

Theo đó, Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định 4 loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.

Đối với kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị; thiết bị tín hiệu đuôi tàu. Nội dung kiểm tra định kỳ thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại phương tiện.

Kiểm tra định kỳ gồm phương thức kiểm tra sau: Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện. Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác.

Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt quốc gia dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 14 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng.

Phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 14 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng. Với phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 12 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Thông tư 01/2024/TT-BGTVT cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...

Sử dụng và thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tem kiểm định

Bên cạnh đó, Thông tư 01/2024/TT-BGTVT nêu rõ hồ sơ đăng ký kiểm tra phương tiện giao thông đường sắt bao gồm: Đơn đăng ký kiểm tra theo quy định. Báo cáo kết quả kiểm tra hoặc báo cáo kết quả thử nghiệm theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (bản chính hoặc bản sao có giá trị pháp lý hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý) kèm theo ảnh chụp thể hiện rõ số hiệu, hình ảnh tổng thể thiết bị, phương tiện. Đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải: tài liệu kỹ thuật của thiết bị, phương tiện theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT (bản chính hoặc bản sao có giá trị pháp lý hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý).

Ngoài ra, tại Điều 17 Thông tư 01/2024/TT-BGTVT cũng quy định về việc sử dụng và thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tem kiểm định. Theo đó, Giấy chứng nhận cấp cho thiết bị được sử dụng làm căn cứ cho phép lắp ráp trên phương tiện. Đối với Giấy chứng nhận cấp cho thiết bị, phương tiện (bản giấy hoặc bản điện tử) chỉ được sử dụng vào các mục đích giải quyết thủ tục hải quan, đăng ký phương tiện, lưu hành. Tem kiểm định dán trên phương tiện, vị trí dán được quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

Về hiệu lực của Giấy chứng nhận, tem kiểm định: Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận và tem kiểm định cấp theo chu kỳ kiểm tra quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

Giấy chứng nhận hết hiệu lực thuộc một trong các trường hợp sau: Phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận, tem kiểm định mới. Thông số kỹ thuật thực tế của phương tiện bị thay đổi so với thông số kỹ thuật trên Giấy chứng nhận đã cấp. Phương tiện bị hư hỏng do tai nạn, thiên tai, hành vi phá hoại hoặc trong quá trình bảo quản, vận chuyển làm biến dạng kết cấu giá chuyển hướng, kết cấu thép chịu lực thân phương tiện đến mức không bảo đảm các yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Thông tư 01/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/3/2024.

Đọc thêm