Quy định mới về xử lý tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

(PLVN) - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm tổ chức tín dụng khi bị rút tiền hàng loạt và cách xử lý tình huống này.
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, rút tiền hàng loạt là việc tổ chức tín dụng bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Khi xảy ra tình huống trên, các tổ chức tín dụng (gọi chung là ngân hàng) sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay các biện pháp được quy định tại Điều 191 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:

Không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của tổ chức tín dụng; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng.

Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt quy định tại Điều 143 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp ngân hàng đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng đó phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 và Điều 160 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Ngân hàng thực hiện phương án khắc phục đã được xây dựng, điều chỉnh.

Khi bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây: Bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%. Thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ tổ chức tín dụng khác.

Đồng thời, tại Điều 192 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng đã quy định ngân hàng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp: Để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định; để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.

Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc xử lý khoản vay đặc biệt Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nêu rõ: Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác, kể cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính có tài sản bảo đảm của bên vay đặc biệt. Ngân hàng hợp tác xã được hạch toán giảm quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt.

Luật Các tổ chức tín dụng 2014 gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Đọc thêm