Đã “lượng hóa” các tiêu chí
Thưa PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, theo ông, đâu là những điểm mới của Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (sau đây gọi là Quy định 96)?
Chủ trì cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội (QH) với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, nhằm đánh giá kết quả tháng 1, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2/2023 mới đây, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát bổ sung, chỉnh lý hoặc sửa đổi Chương trình giám sát năm 2023. Trong đó, nghiên cứu đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ công tác của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH; đánh giá lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.
- Theo tôi, điểm mới thứ nhất của Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là kỳ này Bộ Chính trị coi việc lấy phiếu tín nhiệm như một biện pháp rất quan trọng để đánh giá đúng cán bộ và đi liền với đánh giá đúng là sắp xếp, bố trí lại cán bộ cho phù hợp với nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ hiện nay. Trước đây, chúng ta cũng đã có quy định về đối tượng, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, cũng có 3 mức độ, gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm xong cũng chỉ để tham khảo chứ không chuyển thành một bước tiếp theo của công tác cán bộ.
Tuy nhiên, theo quy định mới, kết quả này không phải để tham khảo mà để đánh giá rõ ràng, cẩn thận để sau đó sắp xếp, bố trí lại cán bộ. Ví dụ, theo Quy định 96, trường hợp nào có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tôi tin rằng điều mới này nếu chúng ta làm tốt thì sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng chứ không để những cán bộ trình độ thấp, uy tín kém, phẩm chất không tốt nhưng vẫn ở cương vị cho đến hết nhiệm kỳ.
Điểm mới thứ hai là trước đây chỉ bỏ phiếu trong diện hẹp, nhưng Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định bỏ phiếu diện rộng hơn, cụ thể là trong tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị, tức là cả cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương cho đến cấp có cơ quan trực thuộc. Như vậy là diện rất rộng. Việc bỏ phiếu được coi như một kỳ sinh hoạt chính trị, “sát hạch” cán bộ để lựa chọn đúng hơn đội ngũ cán bộ. Đây là điểm tôi cũng rất tâm đắc và thấy rằng nếu thực hiện được triệt để thì sẽ rất tốt.
Điểm mới thứ ba là việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới có tiêu chí đánh giá rõ ràng, đã được “lượng hóa” trên hai vấn đề lớn của những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chứ không chung chung như trước đây.
Quy định 96 cũng đòi hỏi những người được tham gia bỏ phiếu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, phải tỏ rõ bản lĩnh và có ý thức xây dựng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm để thể hiện mức độ tín nhiệm cụ thể trong phiếu tín nhiệm, từ đó lựa chọn được những cán bộ xứng đáng. Quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng bỏ phiếu một cách hình thức, cảm tính theo kiểu “thích anh này thì bỏ phiếu cao mà không thích thì gạch đi”.
Bộ Chính trị cũng quy định rất rõ việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Năm nay đúng là năm thứ 3 của nhiệm kỳ trong Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ. Việc quy định bỏ phiếu như vậy cũng thuận và có sự chuẩn bị cho chu đáo.
Vậy, để công tác lấy phiếu tín nhiệm mang lại hiệu quả cao thì cần làm gì, thưa ông?
- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có độ tin cậy cao hay thấp phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của người ghi phiếu. Đồng thời, cũng cần chú ý thêm một khía cạnh nữa, đó là những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng phải thông qua kỳ lấy phiếu này để soi xét lại bản thân mình, “tự soi, tự sửa” để qua kỳ “sát hạch” này đánh giá mình một cách chính xác, đầy đủ, nghiêm túc nhất. Nếu kết quả lấy phiếu thiếu mức tín nhiệm cần thiết thì người được lấy phiếu nhận trách nhiệm mới và có điều chỉnh công việc cho phù hợp, còn nếu được tín nhiệm cao thì trên cơ sở đó sẽ phát huy năng lực, sở trường để cống hiến ngày càng tốt hơn. Như vậy, để kết quả lấy phiếu tín nhiệm mang lại hiệu quả cao đòi hỏi cả trách nhiệm của người bỏ phiếu và người được bỏ phiếu.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phú. (Ảnh VNE) |
Hóa giải quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”
Ông đánh giá như thế nào về thời điểm Bộ Chính trị ban hành Quy định 96?
- Trên thực tế, có những vụ “lình xình” cán bộ lãnh đạo cấp này, cấp khác sai phạm, bị kỷ luật, nhất là tham nhũng, “lợi ích nhóm” ít nhiều bị chi phối bởi quan hệ gia đình. Trong quy định về 19 điều đảng viên không được làm cũng có điều quy định đảng viên không được để vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Như vậy, qua việc bỏ phiếu lần này sẽ nhấn mạnh thêm trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý là không được để cho vợ, chồng, con hay anh em ruột thịt trong dòng họ lợi dụng vị trí của mình để làm những điều sai trái, có hại đến công cuộc đổi mới của đất nước, tức đề cao hơn trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, qua việc này cũng hóa giải quan niệm mà trong lịch sử phong kiến ngày xưa gọi là “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Về phía những người trong gia đình người lãnh đạo, quản lý, như tôi đã có lần nói rằng, khi người lãnh đạo, người chồng, người cha phát triển thì người vợ, người con phải thấy tự hào về người chồng, người cha của mình để phấn đấu noi gương, chứ đừng lợi dụng vị trí của người chồng, người cha đó để làm những việc khuất tất, vụ lợi cho gia đình mình. Cho nên, với quy định này, cán bộ, đảng viên có chức, có quyền sẽ phải nghiêm khắc hơn, không để cho vợ, chồng, con, anh em họ hàng lợi dụng.
Ở chiều ngược lại, đây cũng là lời cảnh tỉnh những người là hậu phương của các cán bộ lãnh đạo, quản lý về việc phải điều chỉnh hành vi của mình cho thích hợp. Họ cũng phải biết hành động cho đúng mực, đúng với lẽ phải. Thậm chí, tôi biết có những người vợ rất gương mẫu, họ biết bảo vệ chồng, nếu phát hiện thấy chồng có những dấu hiệu này khác là họ nhanh chóng nhắc nhở.
Ông có kỳ vọng gì về kết quả của việc thực thi quy định mới này đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới?
- Tôi nghĩ rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của ta hiện nay đang đi đúng, được thực hiện một cách rất bài bản, có hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, nhất là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng; kết hợp đúng đắn cả “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, là chiến lược, lâu dài và “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách... Nay lại có thêm quy định về lấy phiếu tín nhiệm nữa, nếu chúng ta chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện một cách bài bản, công minh, không rơi vào hình thức thì nhất định chúng ta sẽ chọn được đội ngũ cán bộ đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Cũng cần nhấn mạnh rằng, công tác này cũng phải rất cẩn thận vì liên quan đến đánh giá con người, thành ra nếu chuẩn bị không tốt có thể sẽ rơi vào hình thức.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Quy định 96 nêu rõ, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.