Tuy nhiên, vấn đề “gốc” để xử lý những hệ lụy, do tái chế chì suốt nhiều năm trên địa bàn Đông Mai cần thời gian dài. Lượng kim loại nặng tồn lưu trong đất vẫn rất lớn, nếu không áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý sẽ là môi trường trung gian thúc đẩy quá trình xâm nhập chì vào cơ thể người.
Nhiễm độc vì nghề
Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm vốn được biết đến với nghề tái chế chì từ ắc quy cũ hàng chục năm nay, với 90% hộ gia đình kiếm sống bằng nghề này. Nghề tái chế ắc quy đã tạo ra thu nhập cao cho đại đa số các gia đình tại Đông Mai. Những bình ắc quy cũ được người dân Đông Mai thu gom từ khắp mọi nơi, việc tái chế chì được thực hiện ngay trong khu dân cư với mô hình “nhà nhà mở xưởng tái chế chì, người người thực hiện việc tái chế chì”. Pin và bình ắc quy sau khi thu gom về được phá dỡ để lấy các tấm chì rồi đưa vào nung bằng phương pháp thủ công để loại bỏ tạp chất rồi đúc thành thỏi và đem bán lại cho các cơ sở mạ kẽm, sản xuất ắc quy tại nhiều địa phương khác.
Điều đáng nói, bãi nguyên liệu được tập kết ngay trong khu dân cư, nơi đập phá ắc quy cũng ở trong khu dân cư, lò nấu chì chung tường với nhà ở có ống khói cao hơn 10m, khói bụi chì thoát ra từ đây rơi vào vườn, vào nhà, các rãnh nước trong thôn đen sì, những giếng nước, ao làng bị ngấm chì. Nguồn không khí, đất và nước ngầm của thôn bị ô nhiễm nặng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân Đông Mai.
Bà Nguyễn Thị D., người dân sinh sống tại đây cho biết, trước kia toàn bộ ắc quy sau khi thu mua về đều được phá dỡ lấy chì bằng phương pháp thủ công. Những hóa chất như chì, axit được thải ra ngay khuôn viên của gia đình rồi theo dòng chảy ra kênh mương và ngấm xuống đất gây ô nhiễm đất.
Gia đình ông L.V.T ở làng Đông Mai từng làm nghề tái chế chì nhiều năm, hiện nay người con thứ 2 của ông mắc phải nhiều thứ bệnh mà các bác sĩ chẩn đoán do nhiễm độc chì. Ông C giờ đã chuyển nghề và luôn mang trong mình sự hối hận vì đã chọn công việc nguy hại để rồi người con phải gánh hậu quả. Đó chỉ là một trường hợp trong số quá nhiều trường hợp nhiễm độc chì tại thôn Đông Mai.
Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng hàm lượng chì trong môi trường đất, nước ngầm và nước mặt tại xã Chỉ Đạo vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng chì trong nước ngầm vượt gấp gần bốn lần, trong đất gấp chín lần, nước tại các kênh, rãnh thoát nước có hàm lượng chì vượt chuẩn hơn 1.000 lần. Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số cây trồng trong làng cũng bị ảnh hưởng xấu. Trong đất tại hộ gia đình và vườn trong làng có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép từ 10 đến 16 lần.
Hy vọng hồi sinh nhen nhóm
Trước thực trạng ô nhiễm trên, năm 2010, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch và bố trí đất xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo với tổng diện tích 21ha. Theo đó, năm 2013, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường và địa phương thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn Đông Mai.
Dự án đã tiến hành lấy hàng nghìn mẫu đất để phân tích, đánh giá hàm lượng chì. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, dự án đã lựa chọn 37 hộ có hàm lượng chì cao nhất trong đất để thực hiện xử lý ô nhiễm chì. Năm 2015, cụm công nghiệp Đông Mai đã tách các cơ sở sản xuất ra khỏi cụm dân cư.
Ông Nguyễn Mạnh Đàm - Trưởng thôn Đông Mai cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã chuyển nghề tái chế chì sang làm những nghề khác, số hộ làm nghề còn lại đã được gom vào hiệp hội làng nghề cách xa khu dân cư chứ không còn làm tại gia đình nữa. Tại đó, các cơ sở tái chế chì đã xây lò hút khói để lọc chất ô nhiễm của khói chì bởi vậy cuộc sống của chúng tôi giờ ít bị ảnh hưởng hơn trước”.
Dự án khắc phục ô nhiễm chì đã phần nào giúp người dân trong việc xử lý ô nhiễm, giờ đây những lo lắng của người dân Đông Mai về tình trạng ô nhiễm chì trong đất đã dần vơi đi, đem lại niềm hi vọng hồi sinh cho những diện tích đất “chết” của làng. Tuy nhiên, hiện lượng kim loại nặng tồn lưu trong đất vẫn rất lớn, nếu không áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý sẽ là môi trường trung gian thúc đẩy quá trình xâm nhập chì vào cơ thể người.
Việc di dời các hộ tái chế chì nằm trong khu dân cư ở Đông Mai ra nơi sản xuất tập trung với công nghệ đồng bộ trong sản xuất và xử lý chất thải là chủ trương đúng nhưng cần sự quản lý chặt chẽ của ban quản lý cụm công nghiệp làng nghề nơi đây cũng như các ngành chức năng. Vấn đề “gốc” để xử lý những hệ lụy, do tái chế chì suốt nhiều năm trên địa bàn Đông Mai không phải dễ dàng thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình dài hơi, với những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt từ nhiều phía.
Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường khẳng định, điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng sẽ không bền vững nếu môi trường xung quanh không được cải thiện. Nếu sau khi thải độc xong, trẻ lại quay về sống ở môi trường ô nhiễm thì sẽ bị tái nhiễm. Vì thế, giải pháp trước mắt là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cụ thể những vật dụng, quần áo ở nơi sản xuất, tái chế chì thì không nên mang về nhà, không để gần nơi có trẻ nhỏ nhằm giảm bớt nguồn ô nhiễm.