Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(PLVN) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới ký ban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (Ảnh: Dũng Nhân).

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, các quy hoạch ngành và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hình thành rõ nét các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế, bao gồm tuyến vành đai ven biển, các trung tâm kinh tế.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Kinh tế của Bình Định phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Kinh tế của Bình Định phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Quy hoạch tỉnh Bình Định cũng xác định cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế (Ảnh: Dũng Nhân).

Quy hoạch tỉnh Bình Định cũng xác định cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.

Theo đó, 2 vùng kinh tế - xã hội, gồm: phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính phía Bắc (đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão), là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển - logistics; phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính phía Nam (TP Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh), là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển - logistics, đô thị thông minh, các dự án năng lượng tái tạo.

Ba cực phát triển, gồm: TP Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh; thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; huyện Tây Sơn (đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh.

Ba hành lang kinh tế, gồm: hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo quốc lộ 1, kết nối các đô thị và khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Định với các khu, cụm công nghiệp dọc duyên hải Trung bộ, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam; hành lang kinh tế biển dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT.639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, năng lượng mới; hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của quốc lộ 19, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.

Đọc thêm