Quy hoạch vừa chống, vừa chồng!

(PLO) - Có đến 95 luật, pháp lệnh và 85 nghị định điều chỉnh hoạt động quy hoạch, với hơn 19.200 bản quy hoạch… nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực này khiến doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn phải “chạy” quy hoạch. Thậm chí ngay cả khi mất tiền để có được bản quy hoạch… mà chưa chắc đã có tác dụng gì vì bất cứ khi nào quy hoạch đó cũng có thể chồng lấn quy hoạch khác.
Người dân xem mô hình quy hoạch Hà  Nội. Ảnh minh hoạ
Người dân xem mô hình quy hoạch Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Nói về công tác quy hoạch hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng chi phí của Nhà nước cho quy hoạch tốn kém rất lớn, trong khi tại một địa điểm có thể có nhiều quy hoạch khác nhau, dẫn đến quy hoạch chống quy hoạch, quy hoạch chồng quy hoạch.

Bị kiện vì quy hoạch “treo”

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, chính thực trạng quy hoạch quá nhiều, nhưng chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế,  quy hoạch còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết,  không những là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả thực hiện rất thấp mà  còn kéo lùi sự phát triển, gây lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và người dân...”.

Dẫn câu chuyện ở Bình Thuận ra làm ví dụ, ông Đặng Huy Đông cho biết, hàng hoạt dự án du lịch của tỉnh Bình Thuận đã được cấp phép, thậm chí có dự án đang triển khai, nhưng rồi buộc phải dừng lại chỉ vì bị trùng phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

“Cùng với đó là hàng loạt dự án trong các lĩnh vực khác, từ du lịch đến điện gió, điện mặt trời... đều phải chờ đợi. Chi phí, cơ hội mất đi trong những trường hợp này là khôn lường!” - Thứ trưởng Đông nói.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại bởi quy hoạch “treo” ở Bình Thuận. Điển hình là Dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại huyện Bắc Bình. Do  một phần đất của khu vực dự án lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh này đã giao cho chủ đầu tư khác nên không triển khai được dự án, nhà đầu tư Michael McKenzie (người Mỹ) đã kiện Chính phủ Việt Nam và đòi bồi thường 3,7 tỷ USD. “Dù Việt Nam thắng trong vụ kiện này, song rõ ràng, cái giá phải trả không hề nhỏ cho những quy hoạch chồng lấn!”, ông Đông phát biểu.

Quy hoạch của 25 “Chính phủ” và 63 “quốc gia”

Trường hợp bị kiện vì quy hoạch “treo” chỉ là chuyện hy hữu song người dân và DN, thậm chí cả chính quyền địa phương vẫn phải “sống chung” với quy hoạch treo là chuyện “thường ngày”. Nếu như những hộ dân nằm trong khu du lịch Cửa Tùng (Quảng Trị) rơi vào cảnh khốn khó vì quy hoạch treo suốt 12 năm qua thì với những dự án thủy điện được xây khắp trong Nam, ngoài Bắc, với bản quy hoạch và quy trình xả lũ bất hợp lý mà trong đợt lũ lịch sử của miền Trung năm 2016, 21 người dân đã bị chết và mất tích, thiệt hại ước tính gần 600 tỷ đồng…

Ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng từng than thở rằng với một địa bàn nhỏ như Phú Yên mà đã có tới 200 quy hoạch. “Lãnh đạo địa phương chia sẻ rằng mỗi tháng ký không biết bao nhiêu dự án mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ là không biết mình có vi phạm quy hoạch nào không?”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay. Cũng theo vị này, thực tế đang cho thấy có sự mâu thuẫn, chồng chéo, làm cản trở hoạt động đầu tư, không chỉ với công trình của tư nhân mà cả của Nhà nước cũng bị chậm vì sự chồng chéo trong việc quy hoạch không có sự tích hợp. 

Theo PGS.TS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, cách thức lập quy hoạch ở Việt Nam không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới. Ở đây, “25 bộ, ngành là 25 Chính phủ, cũng như 63 tỉnh, thành là 63 quốc gia. Ai làm quy hoạch thì rất thích. Nhưng người dân không chịu nổi nữa. Có quá nhiều quy hoạch không biết làm thế nào. Không cải cách sẽ chết!”, PGS.TS Trần Trọng Hanh cảnh báo.

Trước hiện trạng chồng chéo không đáng có của hoạt động quy hoạch, theo quan điểm của ông, việc ban hành Luật Quy hoạch không còn là việc nên làm mà đã trở thành việc cấp thiết cho nền kinh tế thị trường hiện tại…

(Còn tiếp)

Đọc thêm