22 năm lên rừng, 7 năm xuống biển
Bà Hoa cho biết ngày 5/3/2021, Quỹ Vừ A Dính tròn 22 tuổi, đánh dấu hành trình 22 năm “lên rừng xuống biển” của tổ chức lấy trái tim, tấm lòng làm điểm xuất phát.
Trong 22 năm, Quỹ đã vận động được hơn 5.000 lượt tài trợ với hơn 352 tỷ đồng để trao gần 85.000 suất học bổng thường xuyên và đầu tư các dự án nguồn nhân lực có chiều sâu như “Ươm mầm tương lai”, “Mở đường đến tương lai”, “Thắp sáng tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”…; đào tạo nguồn nhân lực trẻ với hơn 1.000 học sinh, sinh viên thuộc 36 dân tộc của 45 tỉnh, thành; xây 166 căn nhà tình thương, 39 cây cầu, 4 con đường và hàng chục nghìn phần quà cho bà con vùng sâu, vùng xa…
Quỹ đã xây dựng 17 trường và điểm trường, trong đó có hai ngôi trường ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Trong đợt bão lũ, sạt lở lịch sử năm 2020 vừa qua, Quỹ và Câu lạc bộ đã tổ chức 3 đợt cứu trợ và trao học bổng, tặng dụng cụ học tập cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Giải thưởng Vừ A Dính cũng đã vinh danh 147 cá nhân và 81 tập thể, kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
Bà Hoa bày tỏ: “22 năm lên rừng và 7 năm xuống biển của chúng tôi chưa dài, nhưng những gì đã làm được đều là sự cố gắng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và lời dạy của Bác Hồ, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, đoàn kết các dân tộc.
Đặc biệt với biển đảo, chúng tôi góp một bờ nhỏ, hậu phương nhỏ cho các chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo để lo chuyện lớn. Còn chúng tôi trên bờ có thể vận động để hỗ trợ về học bổng, kinh phí xây dựng nhà cửa, chăm lo cho bà con khó khăn”. Trong đó, Quỹ có 5 hoạt động trọng tâm mà bà Hoa tổng kết qua 5 chữ: "Cầu, đường, trường, nhà, quà".
Những người tâm huyết, hy sinh
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, quan tâm đến thế hệ trẻ và bảo vệ chủ quyền đất nước đều là những vấn đề hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thủ tướng đánh giá cao Ban Điều hành và các thành viên Quỹ Vừ A Dính đã có nhiều cách làm sáng tạo, hành động thiết thực, cụ thể, xuất phát từ trái tim, tạo sự lan tỏa ra xã hội.
Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao các nhà hảo tâm đã đóng góp một khối lượng lớn về vật chất cho Quỹ với khoảng 400 tỷ đồng trong 22 năm, chính là kết quả thể hiện các nhà hảo tâm đặt niềm tin vào Quỹ, Ban Điều hành Quỹ, những người có tâm với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Thủ tướng cho rằng những kết quả đó xứng đáng nhận được sự biểu dương, khen thưởng của Đảng, Nhà nước.
“Chúng ta muốn thành công, muốn sáng tạo thì phải tâm huyết với đất nước, công việc và quý vị là những người tâm huyết, hy sinh để góp phần đào tạo thế hệ trẻ cũng như bảo vệ Tổ quốc. Ở bất kỳ đất nước nào, nguồn nhân lực cũng quyết định sự phát triển. Nếu chúng ta không quan tâm đến thế hệ trẻ, không quan tâm đến chuyện học hành của các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì chỉ thành công một phần”, Thủ tướng nói.
Mục tiêu của chúng ta tới 2045 là trở thành quốc gia có thu nhập cao, nếu lớp trẻ miền núi, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc không có thu nhập, không được học hành, không có kiến thức thì chúng ta chưa hoàn thành mục tiêu này.
Vì vậy, “chúng ta phải thực hiện tinh thần là không để ai bị bỏ lại phía sau. Tinh thần là mọi người dân đều được hưởng lợi. Muốn như thế thì tri thức, kiến thức, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc đều hết sức quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Quỹ tiếp tục hoạt động hiệu quả, trách nhiệm đối với xã hội, tiếp tục là những bông hoa đẹp đóng góp vào “vườn hoa việc tốt” của đất nước. Quỹ cần hoạt động có trọng điểm, có sáng tạo, mang lại hiệu quả cao hơn. Cần dựa vào nhân dân, xã hội, huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án, mục tiêu lớn của Quỹ, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.
“Kinh doanh còn để phụng sự xã hội”
Trong cuộc gặp của Thủ tướng với Quỹ Vừ A Dính ngày 15/3, cùng dự còn có các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Quỹ trong hàng chục năm qua. Một trong những người đó là bà Đặng Thị Kim Oanh, TGĐ Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Bình Dương). Bà Oanh cũng là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ từ thiện Kim Oanh, tổ chức có nhiều hoạt động thiện nguyện tại nhiều địa phương.
Nói về việc tìm đến với Quỹ, trao đổi với PLVN, bà Oanh cho hay: “Không chỉ với Kim Oanh chúng tôi mà với rất nhiều DN, tôi cho rằng đều cùng có quan điểm kinh doanh không chỉ để làm giàu chính đáng mà còn để phụng sự xã hội. Cho đi chính là nhận lại, tôi tin lời dạy của đức Phật, tin vào tình cảm và trực giác của bản thân mình. Ngay cả những lúc rất nghèo tôi cũng ao ước khi có tiền mình sẽ chia sẻ với những người nghèo hơn. Kiếm tiền đôi khi là từ cơ duyên, là may mắn; nhưng đức tin và lòng trắc ẩn thì chỉ có thể đến từ tình cảm, từ trái tim.
Từ khi gặp chị Trương Mỹ Hoa nhiều năm trước, cảm động trước tấm lòng của chị và những người điều hành Quỹ, tôi lại càng đam mê đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, động viên những học trò nghèo; muốn được san sẻ yêu thương, thắp lên ánh sáng hy vọng cho những học sinh, sinh viên hiếu học.
Nhiều năm liền chúng tôi đóng góp, đồng hành cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính, Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo Việt Nam... Chỉ riêng năm 2020, số tiền Tập đoàn Kim Oanh dành cho các hoạt động xã hội là 20 tỷ đồng. Mặc dù năm qua, các DN đều cùng cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi suy nghĩ mình đã khó như vậy thì người có hoàn cảnh sẽ trông chờ vào ai, ai sẽ là người giúp đỡ họ?
Vì vậy năm 2021 này, chúng tôi dự kiến chi nhiều hơn nữa, khoảng 30 tỷ đồng để đưa vào hoạt động thiện nguyện.
Tôi nhận thấy các chương trình của Quỹ học bổng Vừ A Dính không chỉ gói gọn ở các tỉnh, thành lớn mà đã lan tỏa đến nhiều vùng quê nghèo, đến biên giới, đảo xa… và thực sự có hiệu quả.
Tôi tin rằng, cùng với sự phát triển của đất nước, Quỹ Vừ A Dính sẽ ngày càng nhận được sự ủng hộ, đồng hành nhiều hơn nữa trên hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp”.