Lợi thế khách nội địa
Chia sẻ về cơ hội bứt phá của ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) trong bối cảnh mới, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục HKVN cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức thì ngành HKVN đang đứng trước không ít cơ hội để bứt phá.
Ông Thắng phân tích, về mặt tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực. GDP quý I/2022 tăng trên 5% so cùng kỳ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ; cùng với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ với gói hỗ trợ khoảng 4% GDP, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2022…
“Điều này đem lại lợi thế rất lớn trong sự cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Thêm vào đó, với những đánh giá tích cực của quốc tế về sự ổn định môi trường chính trị xã hội, phòng chống dịch bệnh cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn đối với khách quốc tế”, Cục trưởng Thắng nhấn mạnh.
Thị trường hàng không (HK) du lịch nội địa nước ta có tiềm năng to lớn. Cụ thể, trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020, 2021), trừ những giai đoạn toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội thì thị trường nội địa là “cứu cánh” cho các hãng HKVN trong việc duy trì hoạt động, tạo dòng tiền khi mà thị trường quốc tế gần như "đóng băng".
Theo ông Thắng, việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển HK nội địa hồi tháng 1/2022 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho thị trường HK nội địa phục hồi nhanh chóng.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019. Chỉ riêng trong tháng 4 năm 2022, thị trường HK nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4 năm 2019.
“Tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa thực sự là cơ hội để các hãng HK khai thác, tận dụng và phát triển hoạt động của mình trong các năm tới”, ông Thắng nhận định.
“Sau mưa trời lại nắng”
Về cơ hội đón khách quốc tế, theo lãnh đạo Cục HKVN, thời điểm này, khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ còn chưa mở cửa, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh ở các mức độ khác nhau thì ưu thế sẽ thuộc về những điểm đến mở cửa sớm như Việt Nam.
Hơn nữa, nước ta đã khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu, điều này sẽ thu hút được lượng khách từ các nước này. “Từ góc độ đó, có thể thấy có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi và phát triển của du lịch quốc tế đến Việt Nam”, lời Cục trưởng Cục HKVN.
Thực tế cho thấy, sau mỗi đợt khủng hoảng, thị trường HK giảm sâu thì giai đoạn sau đó thị trường lại hồi phục mạnh mẽ. Một dẫn chứng được lãnh đại Cục HKVN đưa ra là, sau khi bị ảnh hưởng của dịch SARS năm 2003, thị trường HKVN có sự tăng trưởng liên tục ở mức cao, xấp xỉ 20% cho giai đoạn 2004 - 2008. Còn giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường tăng trưởng liên tục 2 con số cho đến tận năm 2019.
“Quy luật này cũng là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp HK, đặc biệt là hãng HKVN nắm bắt, tận dụng để bứt phá trong giai đoạn tới”, ông Thắng nói.
Nói về cơ hội ngành HK trong thời gian tới, lãnh đạo Cục HKVN còn cho rằng, hạ tầng cảng HK đang có bộ mặt mới. Cụ thể, trong 2 năm nay, ngành HK thực hiện nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng HK, đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các Cảng HK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, nhiều cảng HK khác trong cả nước cũng đang chuẩn bị được đầu tư.
Theo lãnh đạo Cục HKVN, năng lực phục vụ của các cảng HK được cải thiện cũng là cơ hội cho các hãng HK trong việc mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của du khách.