Phát biểu tại Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” diễn ra tại Hà Nội, hôm nay (25/3), chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, tài chính tiêu dùng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Nó vừa tạo cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng, mà còn đảm bảo cho các tầng lớp dân cư trong xã hội có thể tiếp cận những mục tiêu cải thiện điều kiện sống, đảm bảo công bằng xã hội.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ tại Tọa đàm. |
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thị trường TCTD Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo như: FE Credit, HD Saison và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Home Credit. Trong khi đó, với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, ông Thịnh cho rằng, tiềm năng phát triển của TCTD Việt Nam đang còn rất lớn.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thị trường TCTD ở Việt Nam còn có một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn (3 công ty hàng đầu chiếm đến hơn 75% thị phần).
Tuy nhiên, theo ông Lực, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, về quy mô thị trường, trong vòng 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ TDTD cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012. Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn.
Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho thuê tài chính trong tổng tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dư tới 1% vào năm 2011 đến tỷ trọng 16,3% năm 2020 (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các NHTM, quỹ tín dụng (chiếm khoảng 75%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 8,7%). Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV. |
Định hướng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, theo ông Cấn Văn Lực, tài chính tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, nhất là phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, từ tháng 6/2020 đến nay, chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ”- ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, tài chính tiêu dùng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua ba phương diện là góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh, từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thứ hai là góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng. Thứ ba là tạo việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng, quản trị hệ thống…
Đưa ra một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn lực cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Đối với các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh.
Đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile Money…); Chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay…