Cân nhắc quy định lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dữ liệu quốc gia phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Một nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên họp là quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Theo dự thảo Luật, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ các nguồn tài chính bao gồm hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước; từ các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị cần cân nhắc thêm về việc quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia với lý do, năm 2019, Quốc hội đã tổ chức giám sát việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng như việc quản lý, sử dụng các Quỹ này, nhưng trong thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Đại biểu, việc giao cho Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về dữ liệu nên việc bố trí ngân sách cũng sẽ khá thuận lợi. Còn việc huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác thì đã có quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã quy định việc xây dựng, quản lý, quản trị dữ liệu được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước; đồng thời cũng dự kiến quy định về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
“Do đó, tôi thấy rằng, suy cho cùng, về nguyên tắc, mọi nguồn lực tài chính công thì nên tập trung vào ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định và giám sát, chứ luật nào cũng yêu cầu lập quỹ riêng thì nguồn lực sẽ dễ bị phân tán”, Đại biểu nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng đề nghị làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
“Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý? Về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn”, Đại biểu nói.
Đồng thời, Đại biểu cũng đề nghị rà soát các ưu tiên chi các hoạt động của Quỹ để tránh trùng lặp với các với hoạt động chi của các loại quỹ khác, bao gồm cả quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Đảm bảo việc quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông suốt, hiệu quả
Dự thảo Luật cũng quy định về phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Phát biểu về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) cho biết, hiện nay, rất nhiều nước phát triển đã xây dựng các Trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ở Việt Nam, các cơ quan Nhà nước đã hình thành đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu Quốc gia và tiến hành xây dựng gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Song, một số bộ, ngành, địa phương chưa có đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trung lập, chồng chéo chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung.
Do đó, rất cần thiết quy định về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực, hạ tầng công nghệ, vận hành, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhất.
“Đây là tiên đề để phát huy triệt để vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên dữ liệu trong phục vụ quản trị quốc gia và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời đây cũng là nguồn lực, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Chính phủ số ở nước ta”, Đại biểu nói.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, theo các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ thì việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Do đó, để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định tại Chương IV của dự thảo Luật; không liệt kê, quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, mà thiết kế theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển trung tâm.
Đồng thời, cần tập trung làm rõ hơn mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin của Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trong việc quản lý, chia sẻ khai thác dữ liệu đảm bảo thông suốt, hiệu quả.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ Trung tâm phát triển dữ liệu quốc gia thuộc cơ quan nào quản lý và định hướng về mô hình tổ chức, bộ máy và hoạt động của Trung tâm.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định làm rõ phạm vi dữ liệu, nhất là dữ liệu liên quan đến cá nhân là công dân, được thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác quy định trong dự án Luật này nhằm hạn chế việc thu thập dữ liệu dàn trải, thiếu tập trung, giảm hiệu quả của dự án đồng thời dễ gây khó cho các lĩnh vực quản lý xã hội và các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc thêm giữa yêu cầu quản lý dữ liệu tập trung và phân cấp, phân quyền phải làm sao để việc tập trung quản lý dữ liệu tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển, mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.