Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: “Chế tài” mạnh mẽ từ công chúng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau việc nhiều nghệ sỹ dính “lùm xùm” về phát ngôn, hoạt động từ thiện, quảng cáo sai sự thật…, bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ vừa được ban hành đã đưa ra nhiều chuẩn mực cho những phát ngôn, ứng xử… của các nghệ sĩ trên báo chí, truyền thông và không gian mạng…
Bộ Quy tắc hướng tới việc “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Bộ Quy tắc hướng tới việc “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Dẹp cái xấu

Mạng xã hội đã góp phần xoá đi khoảng cách về không gian, thời gian, văn hoá, ngôn ngữ,… giúp những thông tin hữu ích lan toả nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho tin giả, tin độc hại dễ dàng “len lỏi” và “tấn công” người dùng mạng xã hội, trong đó có rất nhiều lứa tuổi, thành phần. Chính vì vậy, những phát ngôn, thông tin chia sẻ và ứng xử trên mạng xã hội đều phải tôn trọng các quy tắc ứng xử cộng đồng, được kiểm chứng cẩn thận và biểu lộ đúng mực để không tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đối với những người xem khác.

Trong nhiều năm gần đây, ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội luôn dành được mối quan tâm của phần đông dư luận. Và trong Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành có riêng quy định về ứng xử của nghệ sĩ trên môi trường báo chí, truyền thông và không gian mạng (ngoài việc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, với đồng nghiệp, với công chúng…).

Cụ thể, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các nghệ sĩ phải cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm; không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng không được chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền các cơ quan, tổ chức nhà nước, ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Khi quảng cáo trên mạng xã hội, họ phải truyền đạt thông tin trung thực, chính xác và rõ ràng về công dụng, chức năng sản phẩm.

Theo ý kiến của các nghệ sĩ, bộ quy tắc ứng xử này có thể trở thành “bản lề” để mọi nghệ sĩ nhìn nhận và tự đánh giá lại bản thân đã thực sự sống chuẩn mực với đồng nghiệp và khán giả dù ngoài đời thật hay trên Internet hay chưa.

Nhà sản xuất Lee Nghĩa chia sẻ: “mạng xã hội không chỉ là thế giới ảo mà cũng phần nào thể hiện con người, tính cách, văn hoá và là một bộ mặt của người nghệ sĩ nên mọi lời nói, chia sẻ đều phải cẩn trọng, đúng mực và tôn trọng khán giả. Văn hoá ứng xử và giao tiếp trên mạng xã hội cũng chính là thước đo “sống chuẩn” của người nghệ sĩ, là bộ mặt của họ. Đáng lo ngại nhất là những hành vi thiếu chuẩn mực của người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người hâm mộ học theo tư duy lệch lạc, hành vi lệch chuẩn”.

Cần “siết” bằng chế tài?

Theo ý kiến của diễn viên Nguyễn Quốc Trường Thịnh, việc cư xử văn minh trên mạng xã hội nên bắt đầu từ sự tự giác của mỗi con người, góp phần xây dựng môi trường giao tiếp trên mạng xã hội văn minh hơn, hiện đại hơn. Nghệ sĩ là người của công chúng nên nhất cử nhất động của người nghệ sĩ đều được công chúng chú ý cũng như tạo sức ảnh hưởng tuỳ theo sự nổi tiếng của người nghệ sĩ đó. Do vậy, mỗi người nghệ sĩ phải luôn cân nhắc kỹ càng mình đang nói gì, đang làm gì, mình đã thực sự hiểu vấn đề trước khi bình luận hay chia sẻ chưa, hành động và lời nói của mình có ảnh hưởng tới bản thân, đồng nghiệp hay khán giả không…

Trên thực tế, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn mà chỉ có thể hạn chế những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Do đó, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có những quy định “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. Đó là những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử để khuyến khích những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng; nói cách khác, là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách văn minh, tôn trọng nhau hơn.

Cũng có nhiều ý kiến từ phía dư luận cho rằng, phạm vi bộ quy tắc này mới chỉ mang tính chất khung và hướng dẫn mà chưa có chế tài xử phạt. Vì vậy, việc thực hiện Quy tắc này vẫn trông chờ vào tinh thần tự giác và ý thức của mỗi cá nhân nghệ sỹ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, bản chất của “Quy tắc ứng xử” này là “xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử” để nghệ sỹ có thể tự “soi” lại mình cũng như là thước đo để công chúng đánh giá về nghệ sỹ. Lúc này, ứng xử của công chúng (như tẩy chay, lên án…) sẽ là một chế tài vô cùng mạnh mẽ. Mặt khác, khi nghệ sỹ vi phạm quy tắc ứng xử, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể “chiếu” sang các quy định hiện hành để xử lý. Ví dụ, nếu nghệ sỹ chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật…, có thể bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), thậm chí có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Điều 10 của Quy tắc nêu rõ: “Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật căn cứ vào Quy tắc ứng xử này để rà soát, xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định. Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Quy tắc này”.

Như vậy, để “siết” nghệ sỹ vào Bộ Quy tắc trên, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật hoàn toàn có thể cụ thể hóa các nội dung vào nội quy, quy chế của đơn vị để làm căn cứ khen thưởng, kỷ luật nghệ sỹ.

“Tất nhiên, cũng có nghệ sĩ nói rằng họ cũng là con người, có sự tự do của họ, nhưng tôi nghĩ rằng đã là nghệ sĩ thì làm sao để hình ảnh của mình đến với khán giả một cách chỉn chu nhất chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với khán giả. Bù lại họ sẽ nhận được sự tôn trọng, quý mến từ phía công chúng” - Diễn viên Nguyễn Quốc Trường Thịnh.

Quy luật đào thải sẽ “sàng lọc” tất cả những nghệ sĩ có ứng xử kém văn hoá trên MXH. Bởi lẽ người nổi tiếng cũng chỉ là một trong rất nhiều người dùng MXH nên họ cũng phải tuân theo các quy tắc xử sự chung và có thể bị tẩy chay bởi những người dùng khác hoặc bị loại bỏ bởi các nhà cung cấp dịch vụ MXH - Nhà sản xuất Lee Nghĩa.