Ngày 1/8/1954, ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, chính quyền Sài Gòn đã đàn áp dã man các cuộc mít tinh của nhân dân ta hoan nghênh Hiệp định Geneve.
Nhiệm vụ cơ bản
Từ năm 1954-1959, nhất là từ sau khi Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên lập chính quyền ở miền Nam, các cuộc khủng bố và đàn áp những người kháng chiến cũ và những người yêu nước diễn ra ngày càng khốc liệt.
Việc lê máy chém khắp nơi theo Sắc lệnh 10/59 của Ngô Đình Diệm đã gây nên sự phẫn uất cao độ của các tầng lớp nhân dân miền Nam. Khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất của nhân dân hai miền Nam -Bắc bị chà đạp thô bạo.
Đứng trước tình hình đó, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cơ bản là phải giải phóng miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, trước mắt là kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ tập đoàn thống trị tay sai, thành lập ở miền Nam một chính quyền liên hợp dân tộc và dân chủ.
Đảng nêu ra phương châm chiến lược: Đẩy mạnh đấu tranh chính trị đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, phát triển song song hai hình thức đấu tranh, tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đoàn kết mọi tầng lớp
Bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm được thông qua tại Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) vạch ra cương lĩnh cho phong trào cách mạng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam - làm Chủ tịch.
Trong quá trình hoạt động, MTDTGPMNVN kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận được cô đúc lại một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.
Với đường lối đúng đắn ấy, MTDTGPMNVN đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước, để cùng nhau chống Mỹ cứu nước.
MTDTGPMNVN có thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam, với mục tiêu đấu tranh chính trị, vũ trang, tiến tới thống nhất đất nước. MTDTGPMNVN liên tục tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh chống Nguỵ quyền Sài Gòn, chống lại sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh. MTDTGPMNVN không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao.
Ảnh hưởng của MTDTGPMNVN không ngừng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân miền Nam và uy tín của Mặt trận đã được nâng cao trên trường quốc tế.
Đấu tranh cho hòa bình, thống nhất
Để tranh thủ dư luận rộng rãi của nhân dân thế giới và làm rõ thêm nguyện vọng của nhân dân ta, Cương lĩnh MTDTGPMNVN nhấn mạnh đến chủ trương ngoại giao hoà bình trung lập và hoà bình thống nhất Tổ quốc. Từ đó, ở nhiều nước trên thế giới, người ta bắt đầu biết đến lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, ngôi sao vàng ở giữa và cũng từ đó, đội quân đối ngoại của MTDTGPMNVN có mặt hầu như ở khắp nơi, tại các hội nghị quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ và giao lưu, các cuộc mít tinh đoàn kết với Việt Nam.
Tháng 3/1965, trong Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương, MTDTGPMNVN là đại biểu chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Tháng 6/1967, MTDTGPMNVN thành lập cơ quan đại diện tại Phnôm Pênh. Ngày 30/6/1967, Chính phủ Cuba cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bên cạnh Uỷ ban Trung ương MTDTGPMNVN.
Đến cuối năm 1967, đã có 41 Chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức có tính chất khu vực lên tiếng ủng hộ cương lĩnh của MTDTGPMNVN. MTDTGPMNVN cũng đã cử phái đoàn đại diện ở Hà Nội, các cơ quan thường trú ở các nước Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Cuba, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Campuchia, Ai Cập, Algeria, Indonesia.
Về hoạt động đối ngoại, những năm đầu mới thành lập, MTDTGPMNVN đã cử đoàn đi tham dự các hội nghị quốc tế, từ Đại hội Thanh niên quốc tế, Hội nghị Phụ nữ Dân chủ quốc tế đến Hội nghị Hội đồng Hoà bình Thế giới, Công đoàn Thế giới, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hội nghị đoàn kết Á-Phi, kinh tế Á-Phi…
Trong các hội nghị quốc tế lúc đó, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và MTDTGPMNVN, hai đoàn tuy cách nói có khác nhau nhưng đều chung một nội dung là lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tố cáo tội ác và đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, để nhân dân Việt Nam tự quyết định quyền của mình.
Ở các hội nghị, Đoàn MTDTGPMNVN thường được phát biểu trước. Mỗi lần Đoàn miền Nam phát biểu xong, các đồng chí ở Đoàn miền Bắc xúc động chạy lên ôm anh chị em Đoàn miền Nam. Nghĩ đến cảnh chia cắt, đến những đau khổ của nhân dân, mọi người đều bật khóc.
Những hành động đó cũng nói lên tình cảm của nhân dân Việt Nam và nguyện vọng tha thiết của hai miền là được thống nhất Tổ quốc.
Các Đoàn miền Bắc, miền Nam Việt Nam cũng đã tiếp xúc với phóng viên các nước để làm cho họ hiểu rõ tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Phần lớn các phóng viên đã theo dõi tình hình ở Việt Nam đều hiểu được ngay những điều mà Đoàn Việt Nam giải thích… Họ có nhiều phát biểu đồng cảm với Đoàn và ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ.
Mở rộng lực lượng
Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra khắp các thành thị miền Nam và ngay tại trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn, gây chấn động lớn trong dư luận nước Mỹ và trên thế giới. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân, Liên minh Các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch được thành lập, Mặt trận Dân tộc thống nhất được mở rộng thêm một bước.
Sau đó, ở miền Nam Việt Nam còn thành lập một Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần ngang nhau từ Trung ương đến địa phương. Ở các đô thị miền Nam Việt Nam đã hình thành những tổ chức và phong trào đấu tranh chính trị thu hút đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia như: Phong trào Dân tộc tự quyết do Luật sư Nguyễn Long làm Chủ tịch; phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ do bà Ngô Bá Thành đứng đầu; Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc do Giáo sư Lê Văn Giáp làm Chủ tịch; Ủy ban Vận động đòi cải thiện chế độ lao tù gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, linh mục, tu sĩ, tăng ni, phật tử; Lực lượng hòa giải dân tộc, tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris do Luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu... và ngay trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng xuất hiện những cá nhân và nhóm đối lập với chính quyền độc tài Nguyễn Văn Thiệu, đòi phải nghiêm chỉnh thực thi Hiệp định Paris.
Trong khi đó ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp, đông đảo kiều bào không ngừng đấu tranh ủng hộ, hưởng ứng tích cực phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang ở trong nước. Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh, chính quyền Sài Gòn bị khủng hoảng và cô lập.
Không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới, sự xuất hiện của MTDTGPMNVN với lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, ở giữa có ngôi sao vàng, một biểu trưng cao đẹp của cuộc chiến đấu chính nghĩa đã làm nhân dân thế giới hiểu rõ thêm lập trường của nhân dân ta và phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam, chống chiến tranh xâm lược lớn mạnh nhanh chóng, thu hút rộng rãi các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.
Đặc biệt, phong trào phản chiến ở Mỹ đã tác động không nhỏ đến chính sách của chính quyền Mỹ lúc đó.
Khẳng định vị thế
Ngày 10/12/1968, MTDTGPMNVN đã cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị bốn bên ở Pari (Pháp) do ông Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn. Buộc phải thừa nhận MTDTGPMNVN dự Hội nghị về Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải chấp nhận thất bại bước đầu của chủ trương “thương lượng trên thế mạnh”, buộc phải công nhận sức mạnh của phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam mà Mặt trận là người đại diện.
Đó là thắng lợi của nhân dân cả nước ta, nó khẳng định vị thế của MTDTGPMNVN trên trường quốc tế.
Từ ngày 6 – 8/6/1969, Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN làm Chủ tịch. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch MTDTGPMNVN làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ.
Tháng 8/1972, Hội nghị Ngoại trưởng các nước không liên kết họp ở Gioócgiơtao (Nam Phi) bao gồm 54 nước đã công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một thắng lợi chính trị của nhân dân Việt Nam.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết giữa bốn bên tham gia. Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký văn bản Hiệp định.
MTDTGPMNVN đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng mùa Xuân 1975, một lần nữa khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của nhân dân ta.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trong cuộc chiến tranh này, kẻ xâm lược đã thất bại dưới ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, của Đảng ta. Nhân dân Việt Nam ta đã thắng lợi, giành được độc lập và thống nhất.
Sau khi đất nước thống nhất, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã quyết định hợp nhất ba tổ chức Mặt trận ở cả hai miền, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày nay.
Ngày nay, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của các tổ chức mặt trận trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang là nơi tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, quy tụ sức mạnh thời đại để nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.