“G7 và Australia, với tư cách là thành viên hiện tại của Liên minh giới hạn giá, vào ngày 2 tháng 12 năm 2022 đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa là 60 USD mỗi thùng đối với dầu thô có nguồn gốc từ Nga”, hãng tin TASS dẫn tuyên bố chung của G7 và Australia cho biết.
Theo tuyên bố, mức giá trần nêu trên dự kiến bắt đầu áp dụng từ ngày 5/12 hoặc chỉ ít lâu sau đó.
Quy định trên sẽ không áp dụng đối với các giao dịch liên quan đến dầu mỏ đã được chất lên tàu tại cảng bốc hàng trước ngày 5/12/2022.
Tuyên bố của G7 và Australia cho biết, chi tiết về việc thực hiện giới hạn giá sẽ do chính phủ các nước công bố.
Vẫn theo tuyên bố, một quyết định tương tự về trần giá đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
"Chúng tôi nhắc lại quyết định của mình rằng giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023 một cách riêng biệt”, tuyên bố cho hay.
Về phía Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 13/10 cho biết, Moscow sẽ không xuất khẩu dầu sang các nước sẽ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
"Giá nên hình thành theo cơ chế thị trường, dựa trên sự cân bằng giữa cung và cầu”, ông Novak nói tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga.
Trước đó, ngày 12/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Moscow sẽ không xuất khẩu tài nguyên năng lượng của mình cho những người áp đặt trần giá đối với Nga.
Tong bài phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Nga, Tổng thống Nga cảnh báo rằng việc áp trần giá dầu tiềm ẩn nguy cơ áp trần giá trong các lĩnh vực khác, điều này có hại cho nền kinh tế thị trường toàn cầu và phúc lợi của hàng tỷ người.