Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các phương tiện kỹ thuật số, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Song hành với những cơ hội đó là sự gia tăng các loại hình lừa đảo công nghệ cao. Từ việc giả mạo danh tính, tấn công tài chính trực tuyến, đến các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội và email, tội phạm công nghệ cao đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của nhiều người dân.
Bài viết dưới đây sẽ nêu thực trạng, phân tích khó khăn, thách thức, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.
Thực trạng lừa đảo hiện nay
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), năm 2023 có khoảng 3.000 hồ sơ được lập tại cơ quan công an với số tiền hơn 2.300 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024 có khoảng 700 hồ sơ được lập tại hơn 30 cơ quan công an địa phương với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo. Bộ Công an cho biết, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến hơn 1.200 vụ phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến hơn 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp (*).
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank (VCB), số liệu thống kê số lượng tra soát từ ngân hàng thương mại đối tác đến VCB thực tế tiếp nhận tại kênh chuyển tiền nhanh 24/7 năm 2023 ghi nhận trung bình mỗi tháng có khoảng 400 tra soát đến liên quan giao dịch lừa đảo. Điều đáng nói, nhiều nạn nhân đã từng sập bẫy lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn liên tiếp xuất hiện những nạn nhân mới. Điển hình, 6 tháng đầu năm 2024, tại VCB ghi nhận số lượng tra soát mã lừa đảo giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 trung bình lên tới hơn 1.000 tra soát/tháng, tăng 250% số lượng tra soát về giao dịch lừa đảo năm 2023. Đây chỉ là con số VCB thống kê đối với các yêu cầu tra soát từ các ngân hàng thương mại đối tác gửi yêu cầu đến. Thực tế còn rất nhiều giao dịch lừa đảo tại các ngân hàng thương mại khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Các loại hình lừa đảo phổ biến
Thực tế trên đặt ra vấn đề, tại sao giao dịch lừa đảo tăng nhanh như vậy, dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp?
Thực tế, lượng giao dịch lừa đảo trên mạng ở Việt Nam nói riêng hay thế giới nói chung luôn gia tăng vì nhiều nguyên nhân: loại hình lừa đảo đa dạng và nâng cấp theo bối cảnh công nghệ, chiêu trò lừa đảo tinh vi, tội phạm lừa đảo liên tục gia tăng trong khi tỷ lệ bắt giữ và điều tra tăng không đáng kể…
Ví dụ một vài loại hình lừa đảo điển hình hiện nay: sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, lừa đảo qua sàn giao dịch tiền ảo, tấn công mã độc (ransomware) tống tiền, lừa đảo qua thương mại điện tử, giả danh nhân viên ngân hàng, công an lừa đảo qua điện thoại…
Một trong những chiêu trò phổ biến là lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nạn nhân sẽ nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee/ điện máy xanh/ Lazada.., thông báo rằng nạn nhân được tặng quà tri ân khách hàng. Người gọi còn cam kết nạn nhân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi nhận quà, kể cả tiền phí vận chuyển. Mấy ngày sau, thực tế nạn nhân sẽ nhận được một hộp quà đựng những phần quà nhỏ, giá trị không cao như: chiếc cốc sứ/ dây buộc tóc/ khăn tay… do người giao hàng chuyển đến. Một ngày sau, người tự xưng là nhân viên của Shopee/ điện máy xanh/ Lazada tiếp tục điện thoại đề nghị nạn nhân kết bạn qua Zalo để hoàn tất thủ tục về việc nhận quà. Sau khi kết bạn, người này hướng dẫn nạn nhân truy cập vào một đường link để điền thông tin xác nhận. Không một chút nghi ngờ, nạn nhân sẽ làm theo hướng dẫn... Bằng cách này, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo của nạn nhân rồi gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân của nạn nhân đề nghị vay tiền, chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng hòng chiếm đoạt tiền.
Một hình thức lừa đảo khác là qua tài khoản Facebook cá nhân. Đối tượng lừa đảo chọn những tài khoản có nhiều bạn bè, sau đó tạo lập tài khoản Facebook giả mạo trùng tên với tài khoản Facebook thật, rồi dùng tài khoản này kết bạn với những người trong danh sách bạn bè của các tài khoản Facebook thật. Sau khi kết bạn thành công, các đối tượng gửi đường link bình chọn ảnh đẹp, giọng hát Việt nhí… với các mục ghi thông tin gồm: số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo, Facebook, họ tên người bình chọn, mã số hình ảnh, mã OTP xác thực mật khẩu... để chủ tài khoản nhập thông tin. Qua đó, các đối tượng chiếm quyền kiểm soát các tài khoản Zalo, Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp nhằm chiếm đoạt. Số tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng của nhóm đối tượng lừa đảo này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hoặc một hình thức khác là các đối tượng lập ra các trang web giả mạo các trang thương mại điện tử uy tín, bán các sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường để thu hút khách hàng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này không giao hàng hoặc giao các sản phẩm không đúng với quảng cáo, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Một hình thức lừa đảo nữa là thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế giả, nhà đầu tư sẽ bị dẫn dụ vào tạo tài khoản trên các trang giao dịch tiền ảo và được hướng dẫn đầu tư, mua tiền ảo bằng cách chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của mình đến 1 tài khoản thanh toán tại Việt Nam, lúc đầu chỉ vài triệu đồng. Khi có tiền ảo trong tài khoản, nhà đầu tư được hướng dẫn thực hiện giao dịch liên tục và có thể thu được lợi nhuận lên đến 10% trong một vài giao dịch đầu. Kết thúc giao dịch, nhà đầu tư được hoàn trả tiền từ tài khoản tiền ảo về tài khoản thanh toán với số tiền cả gốc và lãi với chiêu thức có 1 nhà đầu tư khác mua lại khoản tiền ảo đó, trả bằng tiền Việt Nam. Sau một vài lần lãi như vậy, nhà đầu tư sẽ tăng dần số tiền đầu tư và đến khi đầu tư một số tiền rất lớn, mạng sẽ bị lỗi và nhà đầu tư không thể rút tiền về tài khoản thanh toán của mình.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo cũng đang phổ biến hiện nay là giả danh nhân viên ngân hàng/cán bộ công an gọi điện cho nạn nhân, thông báo rằng tài khoản của họ có vấn đề và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để "xác minh" hoặc phải chuyển khoản các khoản phí để thanh toán cho hồ sơ đang thiếu tại cơ quan công an. Đối tượng lừa đảo không bỏ qua một ai dù là người có tuổi, người lao động tự do hay người dân trí thức.
Thách thức đặt ra?
Những ví dụ trên cho thấy tội phạm lừa đảo công nghệ cao tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp, tinh vi. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm:
Thứ nhất là tính chất phức tạp và tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao sử dụng các công nghệ tiên tiến, mạng lưới internet, công nghệ mã hóa và các kỹ thuật giả mạo phức tạp để thực hiện hành vi phạm tội. Các phương thức lừa đảo như phishing (lừa đảo qua email giả mạo), lừa đảo qua mạng xã hội, các sàn giao dịch tiền ảo giả, và các trang web thương mại điện tử giả mạo ngày càng phổ biến. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các nạn nhân mà còn gây mất lòng tin vào hệ thống công nghệ và các giao dịch trực tuyến. Các thủ đoạn lừa đảo không ngừng thay đổi và cải tiến, khiến cho việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn. Đặc biệt, tội phạm công nghệ cao thường hoạt động theo nhóm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng các công cụ công nghệ tiên tiến để che giấu danh tính và dấu vết, làm cho việc điều tra và truy bắt trở nên vô cùng phức tạp.
Thứ hai, tại Việt Nam hệ thống pháp luật về lừa đảo công nghệ, lừa đảo qua mạng xã hội chưa hoàn thiện. Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm công nghệ cao, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống và bất cập. Các quy định pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các thủ đoạn lừa đảo mới, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Nhiều hình thức lừa đảo mới, như lừa đảo qua tiền ảo, các giao dịch tài chính phức tạp, hay các hình thức tấn công mạng tinh vi, chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình áp dụng và thực thi. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm mà còn tạo ra những kẽ hở cho các đối tượng tội phạm lợi dụng.
Thứ ba, khó khăn nhất là nhận thức của người dân còn hạn chế trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thiếu cảnh giác, chưa nhận thức đầy đủ về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng. Sự chủ quan và thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao. Các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng, chống tội phạm công nghệ cao vẫn chưa được triển khai một cách hiệu quả và rộng rãi. Nhiều người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các thông tin và kiến thức cần thiết để bảo vệ mình trước các nguy cơ lừa đảo trên mạng.
Làm gì để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này?
Trước những thách thức trên, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt nghị định và thông tư thay thế quy định cũ nhằm đảm bảo với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại. Cụ thể, Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/05/2024 thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về Thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 thay thế Thông tư 23/TT-NHNN ngày 19/08/2014 về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư 18/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 thay thế Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng… Theo đó, các nghị định và thông tư mới được ban hành đã bổ sung thêm các điều, khoản nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi khách hàng và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thanh toán, cũng như ngăn chặn các hoạt động lừa đảo ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng áp dụng chính sách giao dịch trực tuyến gồm chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt. Ngoài ra, các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày; kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số cũng phải xác thực khuôn mặt. Toàn bộ các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đều phải thực hiện “xác thực sinh trắc học” trên ứng dụng app của các ngân hàng. Hình ảnh khuôn mặt, căn cước công dân của khách hàng khi thực hiện “xác thực sinh trắc học” sẽ được kiểm tra và so khớp với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt giúp gia tăng bảo vệ khách hàng trước tình trạng gian lận, lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong trường hợp khách hàng bị đánh cắp thông tin, đối tượng lừa đảo cũng khó có khả năng tẩu tán tài sản thông qua việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác. Đây được xem là bước đi mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước.
Thông tin mới nhất, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát triển và vận hành phần mềm phòng chống lừa đảo “nTrust”. Phần mềm hoàn toàn miễn phí, giúp phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR. nTrust chứa cơ sở dữ liệu về thông tin những kẻ lừa đảo được cập nhật từ các bộ, ngành trong nước như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác. Ứng dụng này sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng, là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cũng như các tổ chức chống lừa đảo quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp. Hiện nTrust là một ứng dụng phần mềm mới về cơ sở dữ liệu về số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa đảo, website lừa đảo... mới được ra mắt nên còn phụ thuộc vào việc cập nhật thông tin tức thời của cơ quan chức năng và người dân. Tuy nhiên, đến hiện tại, nTrust vẫn là một biện pháp hữu ích hỗ trợ người dân, cơ quan chức năng trong hành trình phòng chống tội phạm lừa đảo.
|
Ứng dụng nTrust của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia |
Trước tình trạng tội phạm công nghệ ngày càng phát triển và hoạt động tinh vi, các ngân hàng thương mại đã có những biện pháp hỗ trợ, truyền thông rộng rãi tới khách hàng. Ví dụ, ngân hàng thường xuyên gửi thông báo tới khách hàng qua tin nhắn OTT tại ứng dụng app về những phương thức lừa đảo mới của tội phạm, cập nhật thông tin lừa đảo mới trên website, gửi email tới khách hàng với nội dung như: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo phát hành thẻ, đánh cắp thông tin thẻ để liên kết ví và chiếm đoạt tiền, cảnh báo phương thức gọi điện thoại giả danh nhân viên tới khách hàng...
|
Email được Ngân hàng TMCP Vietcombank gửi tới quý khách hàng nhằm cảnh báo thủ đoạn lừa đảo phát hành thẻ, đánh cắp thông tin thẻ để liên kết ví và chiếm đoạt tiền. |
Tội phạm công nghệ không ngừng phát triển các phương thức mới, yêu cầu truyền thông cũng phải liên tục cập nhật để đảm bảo thông tin đến được tất cả đối tượng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Thực tế, tại các chương trình thời sự và chuyên đề của đài phát thanh và truyền hình quốc gia đã có rất nhiều chương trình nhằm truyền thông, cảnh báo tới người dân về các vụ lừa đảo công nghệ mới nhất. Các chủ đề chuyên sâu, phóng sự, phỏng vấn các chuyên gia an ninh mạng để phân tích chiêu thức lừa đảo và cách phòng tránh đang là những chủ đề nóng và được dư luận quan tâm.
Tội phạm công nghệ thực sự là một mối đe dọa đáng sợ trong thời đại số hóa ngày nay. Để giảm thiểu tối đa các vụ lừa đảo thì công tác phòng, chống tội phạm là rất quan trọng. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác này là không thể tránh khỏi, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị, cộng đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy lùi và ngăn chặn tội phạm lừa đảo, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Sự thành công trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo không chỉ mang lại lợi ích về mặt an ninh, trật tự mà còn góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Do vậy, loại tội phạm công nghệ này sẽ không quá đáng sợ nếu chúng ta tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan chức năng đến từng người dân, tạo nên một mặt trận đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống tội phạm lừa đảo.