|
Người dân hút thuốc tại một khu vực được phép hút thuốc ở Tokyo 16/09/2011. Ảnh: Reuters
Theo trang mạng SGNews, người phạm lỗi nhiều nhất trong 3 công chức trên là một nhân viên 61 tuổi. Trong suốt 14 năm đảm nhiệm công việc, ông đã tự ý ra ngoài hút thuốc tổng cộng 4.512 lần, tương đương 355 giờ 19 phút giờ làm việc.
Không chỉ bị cắt giảm 10% lương trong 6 tháng, người này còn phải trả lại 1,44 triệu yên (khoảng 15.000 USD) vì số giờ làm việc mà ông tranh thủ nghỉ ngơi. Hai công chức còn lại cũng bị giảm 10% lương trong 6 tháng.
Trước đó, vào tháng 9/2022, bộ phận nhân sự của chính quyền tỉnh Osaka nhận được một tin báo nặc danh rằng 3 công chức này lén lút hút thuốc lá.
Họ đã bị cơ quan triệu tập và cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả nếu bị bắt quả tang hút thuốc trở lại. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo, cả ba nhân viên này tiếp tục hút thuốc và nói dối về việc hút thuốc khi được truy hỏi vào tháng 12/2022.
Chính quyền Osaka cho rằng việc công chức hút thuốc trong giờ làm việc là vi phạm nghĩa vụ làm việc theo Đạo luật Dịch vụ Công cộng Địa phương.
Hiện tại, Nhật Bản nghiêm ngặt kiểm soát việc hút thuốc, tăng cường các quy định về thuốc lá bằng cách thông qua nhiều luật nhằm cấm hút thuốc ở nơi công cộng.
Năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật sửa đổi về nâng cao sức khỏe cấm hút thuốc trong nhà, bao gồm văn phòng làm việc của nhà nước, trường học, bệnh viện, nhằm bảo vệ những người muốn tránh hít phải khói thuốc gián tiếp.
Lệnh cấm hút thuốc trong nhà là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn được đề xuất nhằm điều chỉnh nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc lá. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo luật sửa đổi về việc hút thuốc lá trong các giai đoạn sau sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn.