Rà soát lại sách giáo khoa, bảo đảm thuận lợi, giảm chi phí cho người dân

(PLVN) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại vấn đề sách giáo khoa theo tinh thần tiết kiệm, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, đem lại lợi ích cho xã hội.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, sáng nay, 4/6, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới; công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 là rất đáng mừng, tạo niềm tin và nền tảng vững chắc để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức liên quan đến tình hình thế giới, dịch bệnh, lạm phát, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng, giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện…

Thủ tướng cũng phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những thành tựu, những tồn tại và hạn chế.

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, đẩy mạnh tiêm vaccine theo các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, nắm chắc tình hình thế giới, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản, cơ chế chính sách để tháo gỡ, khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện phát triển đất nước.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm 5 cân đối lớn của nền kinh tế; tiết giảm tối đa chi thường xuyên, đặc biệt chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản...

Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, phát triển dịch vụ logistics. Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, cơ cấu lại thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Tập trung triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Huy động hiệu quả nguồn lực bên ngoài; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đẩy mạnh, đổi mới hiệu quả công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Theo dõi sát tình hình và có giải pháp ứng phó thiên tai, giảm thiểu tác động tới phát triển nông nghiệp; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, kiểm tra, kịp thời khắc phục sự cố, hậu quả thiên tai; điều tiết các hồ chứa bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Ban hành kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực trong đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán... Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng.

Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng chống tội phạm. Chuẩn bị và tổ chức tốt chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với các đối tác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông, nhất là những vấn đề tác động đến số đông hộ gia đình và người dân tạo đồng thuận xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, cần phối hợp tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tổ chức Hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan. Xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại vấn đề sách giáo khoa theo tinh thần tiết kiệm, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, đem lại lợi ích cho xã hội.

Liên quan đến môn Lịch sử, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp lắng nghe các ý kiến của nhân dân, nhà sử học, nhà khoa học, tổng kết thực tiễn, tiếp thu, điều chỉnh phù hợp trên tinh thần vừa bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật vừa phù hợp thực tiễn, mong muốn của nhân dân, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập môn Lịch sử.

Cũng trong phiên họp, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia công bố cho tháng 5, nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế.

Nikkei lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Đọc thêm