Rà soát quy định gây khó khăn cho phòng, chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo về việc rà soát các quy định của luật, pháp lệnh đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Nghị quyết số 75/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, ban hành ngày 14/7/2021, Chính phủ giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, tổng hợp các quy định gây vướng mắc, bất cập trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các quy định pháp luật khác liên quan; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung gửi Bộ Y tế, Bộ Tư pháp.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và cơ liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/7/2021 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Đối với việc mua sắm tập trung sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành danh mục và quy trình tổ chức mua sắm tập trung sinh phẩm. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ cũng yêu cầu tập trung cao nhất cho phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh với cách làm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”; tập trung xây dựng triển khai chiến lược vắc xin phòng COVID-19 trong ngắn, trung hạn và dài hạn; mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể, bảo đảm chất lượng vắc xin; đa dạng hóa nguồn cung gắn với cơ chế kiểm soát phù hợp. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất; triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn quốc an toàn, hiệu quả để sớm đạt miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định.

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn các phương thức, điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cách ly phù hợp như: Quy trình cách ly tại nhà đối với F1, việc tự xét nghiệm; chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, mở cửa nền kinh tế với lộ trình phù hợp; có chính sách, giải pháp thiết thực hỗ trợ, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tại Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tại những địa phương đang có dịch, tăng cường điều tra, truy vết, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng kịp thời, thực hiện nghiêm việc cách ly, theo dõi y tế và điều trị hiệu quả để dập dịch trong thời gian sớm nhất; thành lập Tổ phân tích dữ liệu thực hiện nhiệm vụ kết nối, phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.

Thực hiện giãn cách, phong tỏa trong phạm vi phù hợp; duy trì đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh bình thường đối với những địa bàn có đủ điều kiện chống dịch hiệu quả, chưa có dịch và không còn dịch, gắn với thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng dịch. Chuẩn bị tổ chức tốt thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.

Đọc thêm