Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt, do Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực, nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian qua, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực; trong đó, có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương cho thấy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký. Trong đó, không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực trạng này đã và đang trở thành "điểm nghẽn" cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng. Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tạo điều kiện để các dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Các dự án đầu tư thuộc phạm vi rà soát của Tổ công tác gồm: dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án ODA và vốn vay ưu đãi; dự án đầu tư kinh doanh gồm dự án FDI và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cùng với việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương,

Bộ KH&ĐT cũng đang xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 và báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021 này. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Vì vậy, cần khẩn trương phân tích, đánh giá thực trạng tình hình; rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và có các giải pháp, đối sách quyết liệt, đồng bộ, tổng thể trên các lĩnh vực để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đồng thời, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ này cũng cho biết, các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân tích thành hai nhóm chính. Đó là, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Các chính sách này cần cụ thể, rõ ràng, đảo đảm tính khả thi để thực hiện với quan điểm đối tượng cụ thể, chính sách phải trọng tâm.

Tiếp theo là các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Các chính sách này tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới như: cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động…

Đọc thêm