Phát sinh rắc rối do không thống nhất cách hiểu
Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, những rắc rối mà các chủ phương tiện và các tổ chức tín dụng đang gặp phải về giấy tờ gốc xe ô tô thế chấp phát sinh từ cách hiểu chưa thống nhất về các quy định của pháp luật có liên quan.
Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012) cho phép bên thế chấp được giữ bản chính giấy tờ tài sản thế chấp, trong khi Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận.
Pháp luật về hộ tịch quy định văn bản, giấy tờ được công chứng có giá trị tương đương như bản chính, trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông lại yêu cầu các chủ phương tiện phải mang theo bản chính giấy tờ xe khi tham gia giao thông. Dù pháp luật không quy định giấy tờ mang theo này phải là bản chính nhưng cũng không nói là được phép mang bản sao có công chứng. Căn cứ theo Nghị định 46, Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ phương tiện tham gia giao thông không theo mang giấy tờ gốc đăng ký xe với hình thức phạt tiền.
Ông Đặng Thanh Sơn khẳng định đây không phải là một xung đột pháp luật, mà chỉ là một việc phát sinh trong thi hành pháp luật |
Thực tế, khi cho vay thế chấp, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng đều giữ bản chính Giấy đăng ký xe của người chế chấp để đảm bảo cho các khoản cho vay được an toàn, tránh phát sinh nợ xấu. Còn các chủ phương tiện khi tham gia giao thông sẽ mang bản sao Đăng ký xe có công chứng và xác nhận của các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 1,3 triệu ô tô đang thực hiện việc thế chấp giấy đăng ký xe tại ngân hàng. Bởi vậy, việc Cảnh sát giao thông xử phạt các chủ phương tiện không mang theo giấy tờ gốc đăng ký xe khiến nhiều người hoang mang.
Tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Ông Đặng Thanh Sơn cho biết, qua nắm bắt thông tin từ báo chí và dư luận, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý. Bộ Tư pháp cũng đã nhận được kiến nghị phối hợp giải quyết của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng gửi Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp giải quyết.
Cần thống nhất cách hiểu để luật pháp nghiêm minh và không ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế |
Bộ Tư pháp nhận định đây không phải là một xung đột pháp luật nhưng là một vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật do chưa thống nhất về cách hiểu nên cần được các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp giải quyết.
"Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa" - Ông Đặng Thanh Sơn nhận định.
Hiện Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. “Tinh thần là cần thống nhất cách hiểu để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật” – Ông Đặng Thanh Sơn cho biết.