Vật liệu phế thải ngổn ngang. Chất cao như núi, tràn cả xuống cả bờ sông. Nhà không còn chỗ thì mang ra đường… đâu cũng là nơi tập kết… của rác thải.
Anh Nguyễn Công Trường người dân tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho hay: “Cái rác này tôi nhặt ở nhựa ra, bây giờ những cái này không thể sử dụng được nữa, không thể tái chế được nữa, phải vứt đi. Đây gồm nhựa cứng, cao su, các loại rác thải khác… gần như không tái chế được nữa là phải bỏ đi.Tỷ lệ cứ mỗi 1 tấn rơi vào khoảng mấy cân rác”.
Rác thải "ngập" lối. |
180/800 hộ của xã Quảng Phú Cầu làm nghề tái chế phế liệu. Người dân thu mua ở khắp nơi, phần không sử dụng được thì lại vứt bừa bãi.
Không chỉ vậy, người dân tại đây ngoài “sống chung” với rác thải, còn "sống chung" với tiếng ồn của hàng trăm máy ép nhựa phát ra hàng ngày.
Trước đây, đã từng có doanh nghiệp tham gia thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải nhưng không đạt kết quả nên đã dừng hoạt động để lại khoảng 150 tấn rác thải không thể tái chế.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho hay: “Nguồn đầu ra cho việc xử lý rác cũng chưa được triệt để. Do vậy, người dân không có chỗ xử lý. Do vậy có hiện tượng đổ, đốt trộm rác”.
Còn theo ông Dương Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết, do hoạt động tái chế rác thải tại đây đang diễn ra tự phát, quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp nhằm kêu gọi các hộ sản xuất tập trung. Bởi nếu không có giải pháp bền vững thì hàng tấn rác sẽ lại phát sinh mỗi ngày.