Rác “vây” quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Năm 2012, năm Hải Phòng thực hiện năm “Đô thị và an toàn giao thông”. Tuy nhiên, mục tiêu đô thị văn minh, hiện đại, môi trường xanh - sạch - đẹp khó trở thành hiện thực ngay tại quận Hồng Bàng, quận trung tâm, bộ mặt của TP Hải Phòng bởi chính tập quán của người dân và sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Năm 2012, năm Hải Phòng thực hiện năm “Đô thị và an toàn giao thông”. Tuy nhiên, mục tiêu đô thị văn minh, hiện đại, môi trường xanh - sạch - đẹp khó trở thành hiện thực ngay tại quận Hồng Bàng, quận trung tâm, bộ mặt của TP Hải Phòng bởi chính tập quán của người dân và sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Một đoạn lòng sông Tam Bạc “ngập tràn” rác thải.
Một đoạn lòng sông Tam Bạc “ngập tràn” rác thải.

“Nhếch nhác” đô thị

Ông Tô Đình Đại, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết, nhằm cải thiện môi trường sinh hoạt cho người dân đô thị, từng bước phát triển đô thi theo hướng văn minh, hiện đại, quận Hồng Bàng đã xây dựng 6 tuyến đường trung tâm của quận (đồng thời cũng là những tuyến đường trung tâm của Hải Phòng) thành những tuyến đường kiểu mẫu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chính quyền địa phương, do sự thiếu ý thức cố hữu của một bộ phận người dân, vào giờ cao điểm, rác thải sinh hoạt vẫn “ngập tràn” khắp nơi, kể cả trên các tuyến đường kiểu mẫu, rất mất mỹ quan đô thị, những ngày hè oi nóng, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

Bức xúc về việc nhiều người xả rác bừa bãi, chị Nguyễn Thị Hà, công nhân của Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng, làm nhiệm vụ thu gom rác tại tuyến đường Minh Khai, cho hay:“Đã có quy định là khi nghe tiếng kẻng thu gom rác, mọi người mới được mang ra đổ. Thế nhưng, ở khu phố này, nhiều người vô ý thức vẫn cứ xả rác bất cứ lúc nào, vì họ cho rằng đã đóng tiền vệ sinh nên việc dọn rác là trách nhiệm của công nhân”.

Ông Trần Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết, xác định nâng cao ý thức người dân là việc lâu dài, hàng năm UBND quận Hồng Bàng đều trích từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn để dành kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, bảo vệ mội trường. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền bằng pano, áp phích. Trên các tuyến phố đều có khẩu hiệu với nội dung vận động, khuyến khích người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè, họp chợ bày bán hàng …

Từ năm 2010, UBND phường Phan Bội Châu đã tổ chức cho các hộ dân, tiểu thương trên địa bàn ký quy ước tổ dân phố tự quản, thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị. Theo bà Nguyễn Vân Khanh, Chủ tịch UBND phường Phan Bội Châu, mặc dù tất cả các hộ dân, tiểu thương trên địa bàn đã ký giao ước bảo vệ môi trường, nhưng từ đầu năm đến nay, lực lượng trật tự quản lý đô thị của phường Phan Bội Châu đã lập biên bản 968 trường hợp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính 97.250.000 đồng và thu giữ 26 ô dù các loại, 43 giá để hàng…

Sông Tam Bạc “hấp hối”

Sông Tam Bạc, đoạn chảy qua địa phận ba phường Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái và Quang Trung được ví như mạch nguồn của quận Hồng Bàng, dòng sông cùng hồ Tam Bạc góp phần điều hòa không khí cho các khu phố, có thể trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của Hải Phòng.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, khu vực này đã trở thành điểm họp chợ tự phát của một bộ phận tiểu thương trên địa bàn. Từ năm 2010, UBND quận Hồng Bàng kiên quyết dẹp chợ tự phát, một bộ phận tiểu thương đã tự nguyện di dời về địa điểm mới nhưng một số tiểu thương vẫn tranh thủ quay trở lại họp chợ vào thời gian từ 2 – 3 giờ sáng mỗi ngày.

Ngoài chợ tự phát, trên tuyến đường ven sông Tam Bạc có tới ba chợ là chợ Sắt, chợ Đổ và chợ Tam Bạc, những chợ lớn của khu vực. Sông Tam Bạc cũng là đường tuyến giao thông huyết mạch của ba chợ này, chỉ riêng đoạn chạy qua phường Phan Bội Châu, tuyến sông này có tới hàng chục cầu tầu để chuyên chở hàng hóa nông sản cho ba chợ. Theo ghi nhận của PV, sau mỗi phiên chợ, cả đoạn sông chạy qua địa bàn quận Hồng Bàng nổi lềnh phềnh đầy rác với váng dầu.

Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng cho hay, một đường Tam Bạc dài hơn 1 km mà một ngày 12 công nhân của DN phỉ thu dọn bình quân tới 70 xe rác, đó là chưa kể lượng rác bị người dân vô tư xả xuống lòng sông. Để ngăn chặn nạn người dân xả rác thải xuống lòng sông, Hải Phòng đã làm lan can dọc tuyến sông, nhưng lan can cũng chỉ hạn chế việc xả rác bừa bãi được một phần…

Trước thực trạng nhức nhối này, lãnh đạo UBND quận Hồng Bàng cho rằng, để bảo vệ môi trường, xây dựng quận Hồng Bàng thành địa bàn xanh - - sạch đẹp, bên cạnh việc tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại môi trường, thì cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, theo đó các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư cần tích cực sát cánh cùng chính quyền, vận động, tuyên truyền, lên án để thay đổi tập quán xấu của một bộ phận dân cư.

Minh Tuệ

Đọc thêm