Nhưng trong bối cảnh phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế hiện nay, rất cần những linh động, sáng tạo trong mô hình tổ chức để vẫn đảm bảo được hiệu quả công tác pháp chế.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, vai trò chỉ đạo tổ chức pháp chế của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng được tăng cường. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có chỉ thị, kế hoạch nhằm triển khai và tăng cường công tác pháp chế; chỉ đạo sát sao, kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất.
Các ngành, các cấp cũng đã quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; chỉ đạo việc phối hợp giữa các đơn vị với các tổ chức pháp chế trực thuộc bộ, ngành; ý thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác này.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay tổng số người làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 8.556 người (tăng 356,5% so với thời điểm trước khi ban hành Nghị định 55/2011/NĐ-CP). Trong đó, có 2.754 người làm công tác pháp chế chuyên trách, có 5.802 người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.
Ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có 4.377 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.455 người được bố trí làm chuyên trách, 2.922 người kiêm nhiệm. Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 2.138 người làm công tác pháp chế, trong đó có 593 chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm.
Về cơ bản, trình độ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở bộ, ngành đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng tại một số bộ, ngành có tính chuyên ngành, đặc thù thì chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế còn không ít hạn chế. Người làm công tác pháp chế chưa có trình độ đại học luật vẫn còn chiếm số lượng tương đối lớn. Nhiều nơi, công tác pháp chế chưa được coi trọng, dẫn đến sự phối hợp với các đơn vị trong quá trình triển khai các nghiệp vụ pháp chế vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào bản chất, hiệu quả chưa cao.
Khó khăn hơn cả là việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở các địa phương còn rất hạn chế. Một loạt các phòng pháp chế đã được thành lập trước đây bị giải thể. Hầu hết các cán bộ pháp chế đang được bố trí tại văn phòng các sở, ngành và làm công tác kiêm nhiệm.
Đơn cử, tại TP Hải Phòng, từ 7 Sở thành lập được Phòng Pháp chế, đến nay chỉ còn 3 Sở duy trì được Phòng Pháp chế. Đó là Phòng Cải cách hành chính và Pháp chế tại Sở Nội vụ, Phòng Tổ chức – Pháp chế tại Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Pháp chế tại Sở Công Thương. Tại các cơ quan khác, Phòng Pháp chế được chuyển nhiệm vụ vào Thanh tra (như Sở Ngoại vụ) hoặc về Văn phòng Sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế…).
Mặc dù theo đề án vị trí việc làm của các Sở, cán bộ pháp chế đều được xác định là cán bộ chuyên trách, song thực tế, đa phần họ đều phải hoạt động kiêm nhiệm, thậm chí việc thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến công tác pháp chế chỉ là nhiệm vụ thứ yếu. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Nguyễn Thị Tịnh thừa nhận, tình trạng này dẫn đến chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực, các nhiệm vụ liên quan đến công tác pháp chế không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chất lượng và hiệu quả không cao.
Bà Tịnh nhấn mạnh, với yêu cầu kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hiện nay, việc tiếp tục duy trì phòng pháp chế riêng trong cơ cấu tổ chức của các sở là rất khó khăn. Do đó, mô hình phòng pháp chế được thành lập có thể linh động kết hợp với một số lĩnh vực chuyên môn khác của các sở cần được nghiên cứu xem xét nhưng kết hợp như thế nào thì các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể để các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thực hiện thống nhất.
Không những thế, vì không còn tổ chức phòng pháp chế tại các sở mà vẫn giao nhiệm vụ chủ trì một số lĩnh vực công tác như rà soát, hệ thống hóa văn bản; theo dõi tình hình thi hành pháp luật… thì sẽ không hiệu quả. Trước yêu cầu công việc, theo bà Tịnh, cần mạnh dạn chuyển giao nhiệm vụ đối với cơ quan tư pháp và đây sẽ là căn cứ để bổ sung biên chế chuyên trách đối với các cơ quan tư pháp.