Rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng nếu không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”, nếu không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn.

“Bơi trong dòng xoáy”

Đó là chủ đề của Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 08/08.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã điểm lại tình hình thế giới, trong nước, trong đó nhấn mạnh dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

“Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hơn thế, theo Thứ trưởng, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

“Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của DN. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu DN, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, nhiều DN, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…” - Thứ trưởng nêu khó khăn thực tế.

Theo thứ trường, các DN nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu DN, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.

Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư.
Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư.

Tuy nhiên trong bức tranh xám màu đó, điểm sáng được Thứ trưởng nhắc đến là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Gỡ “rào cản” cơ chế

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng… cũng đã và đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. “Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra...” - Thứ trưởng lưu ý.

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, theo tính toán của Bộ KH&ĐT, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm.

“Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá…” - Thứ trưởng Phương quả quyết.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài… Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc; hay là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có…

“Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội!" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia cao cấp.

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia cao cấp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh DN Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 30 đơn vị, đó là các tổ chức đã có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng, cũng như tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023.

Đặc biệt, Diễn đàn cũng trao Cúp vinh danh cho các tổ chức đạt Sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023 với 5 hạng mục. Đó là, Dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; Dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; Giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo.

Đọc thêm