Giữa năm 2017, Bộ GTVT công bố quyết định sáp nhập PMU An toàn giao thông vào PMU2, lấy tên mới là PMU2; đồng thời hợp nhất PMU1 vào PMU Thăng Long, lấy tên mới là PMU Thăng Long. Quyết định nói trên đã giúp giảm được đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT từ con số hơn 20 xuống 20 đơn vị vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, việc sáp nhập, hợp nhất này cũng đã ít nhiều gây ra những xáo trộn về mặt tâm lý, tổ chức đối với lãnh đạo và nhân viên các PMU. Không ít cán bộ đã xin nghỉ việc trước tuổi, xin chuyển đơn vị công tác, thậm chí có người đang là Giám đốc phải xuống… Phó một thời gian, chờ tổ chức sắp xếp vị trí, mới có thể quay lại “ghế” Giám đốc như trước khi có quyết định sáp nhập.
Trao đổi với PLVN về việc tinh gọn bộ máy, trong một dịp gần đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ từng bước xem xét từ những Phòng thuộc Vụ và cả những Vụ thuộc Bộ... Đơn vị nào có chức năng gần giống nhau thì sẽ ghép lại để giảm đầu mối, giảm lãnh đạo...
“Nếu ít đầu mối thì khi lấy ý kiến hay tham mưu một vấn đề nào đó sẽ không qua nhiều Phòng, Vụ như hiện nay. Công việc vì thế sẽ nhanh chóng hơn, ít chồng chéo và cũng giảm được số cấp Phó; bố trí công việc cho cấp chuyên viên cũng dễ dàng, linh động hơn”, lời Bộ trưởng.
Được biết, ở khối các đơn vị sự nghiệp, Bộ GTVT đang có 9 PMU chuyên ngành làm chức năng quản lý dự án ở các lĩnh vực khác nhau. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể từng đánh giá, cuộc sáp nhập, hợp nhất 4 PMU cách đây hơn 2 năm là việc làm “rất đúng nhưng chưa đủ”. Theo ông, PMU ít việc thì số lượng cán bộ phải ít. “Việc ít mà bộ máy công kềnh thì lấy gì để nuôi nhau?”, Bộ trưởng Thể nêu vấn đề.
Sau khi kết thúc Dự án Luồng tàu Sông Hậu (giai đoạn 1), PMU Hàng hải đang "đói" việc làm, nhiều kỹ sư phải xin nghỉ việc |
Liên quan vấn đề tổ chức, bộ máy của các PMU, gần đây dư luận trong và ngoài ngành Giao thông đang rộ thông tin, Bộ này sẽ xem xét để hợp nhất thêm 2 PMU đó là PMU các dự án đường thủy với PMU Hàng hải thành một?
Dù thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ quyết định chính thức nào về vấn đề trên, nhưng với những người trong ngành thì đã bắt đầu xuất hiện những băn khoăn nếu thông tin trên thành sự thật.
Cụ thể, PMU Hàng hải có trụ sở chính tại TP Hải Phòng, sau khi thực hiện xong Dự án Luồng sông Hậu (giai đoạn 1) và cảng Lạch Huyện, đến thời điểm này đang trong tình trạng “đói” việc làm. Còn PMU các dự án đường thủy trụ sở chính nằm tại TP Hà Nội, cũng đang “bó gối” vì thiếu việc, người lao động xin nghỉ và nghỉ không lương lên tới con số hàng chục.
Nếu nhìn ở góc độ này, việc hợp nhất 2 PMU nói trên thành một là rất cần thiết vì thực tế thiếu công ăn việc làm, thiếu tiền trả lương mà bộ máy cồng kềnh, thì không nên duy trì quá nhiều đầu mối. Nhưng ngược lại, một số ý kiến bày tỏ lo ngại, việc hợp nhất 2 PMU sẽ xảy ra tình trạng nhiều cán bộ sẽ xin nghỉ công tác như từng xảy ra khi hợp nhất các PMU Hàng hải 2 và 3 thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về thuộc Bộ GTVT cách đây 5 năm.
“Ghép Ban, di chuyển trụ sở làm việc của 2 Ban… chắc chắn sẽ có người nghỉ việc. Vì anh, em ở Hải Phòng khó mà bỏ gia đình dưới đó để lên Hà Nội công tác và ngược lại, trong khi thu nhập và chế độ ở các Ban bây giờ đâu phải quá hấp dẫn người lao động, kể cả với các vị trí lãnh đạo.
Chủ trương gọn nhẹ bộ máy và nâng cao chất lượng công tác các đơn vị thuộc Bộ là cần thiết, nhưng những người làm công tác tổ chức cũng cần lưu ý tới những vẫn đề này”, một cán bộ ngành GTVT nói với PLVN.