Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và các tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng. Vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được nâng cao. Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang bộ đã và đang tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Có thể nói, Luật Tổ chức thi hành pháp luật là một trong những cơ chế bảo đảm cho việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật công vụ, hiệu quả thực thi pháp luật công vụ trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể là, quy định về công khai pháp luật còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện công khai pháp luật; việc triển khai các hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật ở nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn còn mang tính hình thức; hiệu quả cụ thể, trực tiếp của hoạt động giám sát chưa cao…
Ông Đặng Thanh Sơn cho biết có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể là thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật; nội dung tổ chức thi hành pháp luật; các điều kiện bảo đảm cho tổ chức thi hành pháp luật; theo dõi hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tại cuộc họp, PGS. TS Dương Đăng Huệ nhất trí với tên gọi là Luật Tổ chức thi hành pháp luật. Đối tượng chủ thể có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật rất quan trọng. PGS cũng cho rằng việc tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước, không nên mở rộng sang các tổ chức chính trị, xã hội. mối quan hệ giữa luật này với các văn bản pháp luật khác có liên quan,
GS TS Lê Hồng Hạnh đặt câu hỏi rằng liệu ban hành Luật Tổ chức thi hành pháp luật có phù hợp hay không khi pháp luật được ban hành ra đương nhiên phải được thực hiện, cách thức thực hiện như thế nào là tuỳ thuộc theo từng hoàn cảnh, lĩnh vực. Do đó, GS cho rằng không thể đưa ra một khung để điều chỉnh luật trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, GS cũng nêu vấn đề nếu được ban hành, cơ quan nào sẽ đứng ra thực hiện nhiệm vụ quản lý Luật này?
Kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, đóng góp cho việc định hướng phục vụ xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật. Thứ trưởng đề nghị cần luận giải sâu sắc hơn về sự cần thiết ban hành luật; làm rõ hơn khái niệm tổ chức thi hành pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa khái niệm này với các khái niệm khác như thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật… để từ đó xác định rõ phạm vi và phân công trách nhiệm.
Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức thi hành pháp luật trong việc thực hiện pháp luật, thực trạng thi hành pháp luật trong thời gian qua cũng cần được làm rõ. Nhất là thực trạng pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật trong Tờ trình đánh giá vẫn còn đơn giản, phải đề cập thêm các luật, điều khoản thi hành, các quy định chi tiết, hay các luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật…
Thứ trưởng đề nghị xem xét mối quan hệ giữa Luật Tổ chức thi hành pháp luật với các luật khác có liên quan, rà soát xem nguyên tắc nào chưa được quy định trong các luật khác có liên quan thì quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật này; tìm ra các khoảng trống pháp lý và các quy định pháp luật bất cập. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cơ bản nhất trí với các chính sách lớn được nêu trong Tờ trình; bổ sung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với địa phương…