"Rộ" việc “ăn theo” mùa thi đại học

 Thay vì về quê hay đi học hè, tiếp sức mùa thi hay tham gia tình nguyện như nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhiều sinh viên đã kiếm việc làm thêm nhân mùa thi đại học để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Thay vì về quê hay đi học hè, tiếp sức mùa thi hay tham gia tình nguyện như nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhiều sinh viên đã kiếm việc làm thêm nhân mùa thi đại học để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Linh và các bạn tranh thủ đi bán gợi ý đáp án.
Linh và các bạn tranh thủ đi bán gợi ý đáp án.

Những sinh viên năng động

Dù tiết trời oi bức và nắng nóng nhưng Linh (sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã bắt đầu ngày mới của mình từ sớm với công việc thời vụ mà cô và các bạn đã tiến hành suốt 3 năm nay: Bán đáp án và gợi ý lời giải các môn thi đại học.

Sáng 4/7, Linh và một số sinh viên các trường Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông Vận tải đã tập hợp nhau lại trước một điểm thi ở quận Hoàng Mai để chờ đợi thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi. Sau khi xin được đề thi Toán từ sĩ tử này, Linh và các bạn nhanh chóng chia nhau ra giải các câu hỏi. Sau khi họp “bàn tròn” để đối chiếu tính chính xác của các đáp án, nhóm bạn này triển khai chế bản, in bài giải và photo ra hàng loạt.

13h cùng ngày, Linh và các bạn đã tỏa đi các điểm thi xung quanh để bán gợi ý lời giải môn Toán với giá 5.000 đồng/bản. Linh tươi cười nói với chúng tôi: “Chi phí photo một bộ gợi ý đáp án chỉ khoảng 1.000 đồng, bọn em lãi được 4.000 đồng”.

Ngoài việc tự giải đề, Linh và các bạn còn theo dõi các trang tin điện tử và các báo có uy tín để thu thập được gợi ý đáp án chuẩn xác hơn. “Đến khoảng 9h tối, trên mạng đã đầy đủ các thông tin và gợi ý cho các mã đề thi môn Vật lý. Bọn em chỉ việc tải về và in ra. Cả bộ đề được bán 15.000 đồng. Nhiều thí sinh thi năm nay đuối sức cũng mua để làm tài liệu tham khảo cho năm sau anh ạ”.

Bạn Nguyễn Phương Mạnh (quê Hải Dương, sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách khoa) giãi bày: “Chỉ có hai đợt thi đại học nhưng công việc thời vụ này cũng góp phần giúp bọn em có thêm một khoản thu nhập đáng kể. Bây giờ đời sống khó khăn vì giá cả cao, kiếm thêm được đồng nào, tốt đồng đấy anh ạ”.

Theo lời Mạnh, sau hai môn thi đầu tiên (Toán và Vật lý), cậu và các bạn đã bán được hơn 300 bộ gợi ý đáp án. Mạnh chia sẻ: “Khi môn thi thứ ba (Hóa) kết thúc, bọn em sẽ bán lời giải cả 3 môn khối A tại các bến xe, bến tàu vì các thí sinh sẽ ra về”.

Phát tờ rơi, “cò” nhà trọ

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thuận (sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) khi nữ sinh này đang đi phát tờ rơi quảng cáo tuyển sinh.

Thuận cho biết, cô và một số người bạn đã tìm được công việc thời vụ này tại một trung tâm giới thiệu việc làm. Hàng ngày, Thuận và các bạn nhận tờ rơi đem đi phát cho các thí sinh và người nhà các em tại các điểm thi. “Tờ rơi in thông tin tuyển sinh của các trung tâm dạy nghề, các trường không thi tuyển mà nhận hồ sơ xét tuyển. Mỗi ngày phát tờ rơi, bọn em được thù lao 200.000-300.000 đồng”.

Khác với Thuận, Mạnh (sinh viên Đại học Thương Mại) lại kiếm thêm bằng cách làm “cò” chỗ trọ cho thí sinh. Trong vai người đang đi tìm nhà trọ cho kỳ thi đại học - cao đẳng đợt 2, tôi được Mạnh hướng dẫn: “Anh cứ vào chỗ trọ gần đây của nhà họ hàng em. Phòng rộng, thoáng mát, có quạt trần và bàn học. Giá cả phải chăng, chỉ 100.000-150.000 đồng/người cho 3 ngày”.

Để các vị phụ huynh thêm tin tưởng, Mạnh mặc cả áo xanh tình nguyện. Một bác hàng nước gần đó rỉ tai tôi: ““Cò” nhà trọ đấy. Mỗi trường hợp đưa khách về thuê trọ, thằng bé được trả 50.000 đồng”.

Hè đến, bên cạnh những khát khao cháy bỏng được bước vào cánh cửa giảng đường đại học của hàng triệu sĩ tử trên cả nước là những vất vả của những sinh viên tranh thủ làm thêm nhằm nuôi dưỡng giấc mơ thành cử nhân trong tương lai. Cuộc sống vẫn tiếp diễn với bao bộn bề lo toan...

Ngọc Trìu

Đọc thêm