Đương nhiên, vấn đề biển Đông đến giờ không còn coi là “nhạy cảm” song khi nhắc đến, người ta vẫn cứ e dè. Đây không là vấn đề tranh chấp nhỏ mà là liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, hơn nữa, nó động chạm đến lòng tự hào dân tộc và truyền thống yêu nước của con dân đất Việt. Vì thế, sự kỳ vọng của nhân dân vào thái độ quyết liệt của Quốc hội chưa được đáp ứng, đại biểu coi đây là “món nợ” với dân là phải thôi.
Việc đề cho tham nhũng vẫn “ổn định” cũng được coi là nợ.
Món nợ lớn nhất với tư cách là một cơ quan lập pháp chính là không thông qua được các đạo luật vốn là nhu cầu cấp bách của đời sống, hoặc những luật mà Quốc hội đã thông qua nhưng ít đi vào cuộc sống, hoặc đã lạc hậu, hoặc không được lòng dân, hoặc tính khả thi thấp... Có đại biểu thẳng thắn là phải coi đó là “không hoàn thành nhiệm vụ” khi Nghị quyết đưa ra mà chưa thực hiện được.
Nhìn lại một nhiệm kỳ, đánh giá cao những kết quả đã đạt được, so sánh với các nhiệm kỳ trước, có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác giám sát việc thực thi pháp luật hoặc những yêu cầu bảo vệ quyền con người cao hơn, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật... mang lại niềm tin cho nhân dân.
Nhắc đến niềm tin, cũng cần ghi nhận một ý kiến của đại biểu khi đề cập đến việc “nói và làm”, có nhận xét là chúng ta đang “lãng phí niềm tin”. Phải thừa nhận một thực tế rằng, nhân dân (không chỉ riêng cử tri) gửi gắm niềm tin của mình vào Quốc hội nhiều hơn bất kỳ một cơ quan nào khác, thậm chí, còn cao hơn cả niềm tin, đó là sự kỳ vọng.
Việc thẳng thắn chỉ ra hoặc thừa nhận các “món nợ” hay sự “lãng phí” là cần thiết để nhiệm kỳ tiếp nối không còn nặng ưu tư về những “món nợ” và xứng đáng với niềm tin của đại đa số nhân dân!