Xác tín chuyện này, người có trách nhiệm giải thích: Một vị quá tuổi, hai vị còn lại chiếu theo quy định là không kiêm nhiệm quá 2 chức vụ mà hiện tại các vị này đã kiêm nhiệm 2 chức vụ rồi nên không ứng cử đại biểu Quốc hội nữa. Về trường hợp thứ nhất thì tương tự như Hà Tĩnh, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh này cũng đã rút tên khỏi danh sách ứng cử vì đã quá tuổi, thay thế vào đó là Phó Chủ tịch tỉnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành sau khi trở thành đại biểu Quốc hội thường nắm giữ cương vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương mình. Hiện Đà Nẵng có hai người là ứng cử viên giữ chức vụ cao nhất là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và Chánh Thanh tra thành phố.
Hiện trạng cho thấy, hầu hết các cương vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương đều không chỉ có hai chức vụ mà kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác. Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân hay Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch tỉnh, thành, Phó Bí thư Thường trực chí ít cũng kiêm thêm vài chức nữa như làm trưởng các ban chỉ đạo (cải cách tư pháp, cải cách hành chính, công tác thi hành án, chống tham nhũng,..) chưa kể đến chức danh trong các đoàn thể xã hội, hiệp hội..., thậm chí cả công ty như tham gia Hội đồng xổ số kiến thiết chẳng hạn.
Nếu cứ áp tiêu chuẩn như Đà Nẵng, chiểu theo quy định là không được kiêm nhiệm quá 2 chức vụ thì e rằng rà soát lại danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội lần này sẽ có nhiều trường hợp “không đúng quy định”.
Dù sao Đà Nẵng cũng đã tạo ra một tiền lệ. Cái được thấy rõ là khi không phải ôm đồm nhiều việc thì có thời gian, sức lực tập trung cho công việc chính của mình và Quốc hội không rơi vào tình trạng trong các cuộc họp có rất nhiều ghế trống và phải điểm danh, kêu gọi có mặt đầy đủ...
Không chỉ tiền lệ, đây còn là tiền đề cho một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực nhắm tới cái đích là hiệu quả công việc, phục vụ tốt hơn cho dân, cho nước, tránh tình trạng ngồi quá nhiều ghế rồi ra công việc chính bê trễ.