Rơi nước mắt với bài học pháp luật qua sân khấu

(PLO) - Trung đoàn Bộ binh 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) được Cục Chính trị Quân khu 4 lựa chọn tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa Hội thi pháp luật năm 2016. Những gì được thể hiện tại hội thi này cho thấy, việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đưa lại nhiều hiệu quả...
Các lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội
Các lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội

Ba đội thi - Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 đều chuẩn bị tích cực, chu đáo, thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao trong các phần thi. 

Ngay từ màn “Khởi động chào hỏi”, trong thời gian từ 5- 7 phút, các đội sử dụng hát múa, hát dân ca dân ca, hò vè, đã khéo léo giới thiệu một cách sinh động về tính chất nhiệm vụ của từng đơn vị, địa bàn đóng quân, truyền thống đơn vị Trung đoàn.

Sang phần thi “Tuyên truyền pháp luật thông qua tiểu phẩm, kịch ngắn”, mặc dù là sản phẩm “cây nhà lá vườn” nhưng với kịch bản súc tích, dàn dựng công phu, giàu tính biểu cảm, các tiểu phẩm đã để lại ấn tượng khó phai. “Hãy dừng lại khi chưa muộn” - tiểu phẩm của Tiểu đoàn 7 - gửi đến người xem thông điệp “trong cuộc sống nên biết nghe những lời khuyên nhủ và dừng lại đúng mức”.

Đó là chuyện một lần đi làm công tác dân vận, không chấp hành nghiêm kỷ luật, quy định của đơn vị, 2 đồng chí đã uống rượu bia say rồi rủ nhau mượn xe máy của dân đi chơi mặc dù đã có sự khuyên ngăn của đồng chí, đồng đội. Chỉ một chút ham vui, vì một phút bồng bột nông nổi mà một đồng chí đã vĩnh viễn mất đi chân trái, một đồng chí bị chấn thương sọ não phải điều trị dài ngày, nhưng đôi mắt vĩnh viễn không nhìn thấy.

Tiểu phẩm “Thức tỉnh” của Tiểu đoàn 9 có nội dung tuyên truyền về vi phạm Điều 11 Quy định 04 ngày 5/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về hành vi vắng mặt trái phép. Hình ảnh người mẹ qua sự diễn xuất của chị Thanh Tình đến từ đơn vị kết nghĩa đã khiến người xem rưng rưng nước mắt: Khi thấy con về thăm gia đình, bà vội vàng đi chợ mua đồ về nấu chiêu đãi con.

Thế nhưng khi trở về, biết tin con bỏ ngũ, bà gục ngay trước bàn thờ chồng, đau xót vì cuộc đời chồng không ngại khó, ngại khổ, hi sinh cho Tổ quốc thì người con chỉ vì nỗi nhớ nhà đã bỏ đơn vị. Kết thúc tiểu phẩm, tìm gặp, chị Thanh Tình cho biết: “Khi Tiểu đoàn 9 đặt vấn đề phối hợp luyện tập tiểu phẩm dự thi tuyên truyền pháp luật, tôi đã nhận lời. Đọc kịch bản cũng như luyện tập, tôi đã thực sự nhập vai người mẹ, bởi con trai đầu của tôi nay cũng đã học vào lớp 11, việc giáo dục con thế nào cho thành đạt, nên người là niềm hạnh phúc không gì bằng. Lên diễn trên sân khấu, tôi đã thực sự bị cuốn hút với nhân vật...”. 

Còn tiểu phẩm “Lời hối hận muộn màng” của Tiểu đoàn 8 thì gửi thông điệp của giới trẻ về những tệ nạn xã hội. Kết thúc tiểu phẩm là hình ảnh một cuộc điện thoại của người em gái ở quê gọi đến chỉ huy đơn vị xin gặp anh trai, thông báo  mẹ đi phụ hồ không may gặp tai nạn phải nhập viện mà không có tiền. Tiểu phẩm đã gửi gắm một lời nhắn gửi và đã chạm vào trái tim khán giả: Chỉ vì một phút ham vui, bồng bột mà có chiến sĩ đã vĩnh viễn mất đi người mẹ, gia đình tan nát, vợ chồng bỏ nhau.

Binh nhì Nguyễn Đình Tâm - chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 bày tỏ: “Hội thi là một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện để các đơn vị được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Xem các tiểu phẩm, chúng tôi như thấy một phần bóng dáng của mình trong đó, từ đó nghiêm túc nhìn nhận, nêu cao ý thức cảnh giác, tinh thần tự giác trong chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước...

Đại tá Trịnh Văn Hùng - Chính ủy  Sư đoàn - đến dự và chỉ đạo Hội thi khẳng định: “Cùng với mời các cơ quan pháp luật về nói chuyện, xây dựng Tủ sách pháp luật cấp đại đội, củng cố Phòng Hồ Chí Minh cấp tiểu đoàn, các đơn vị còn duy trì công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; có nhiều đổi mới về nội dung, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, chú trọng giáo dục thường xuyên với giáo dục truyền thống thông qua việc tổ chức báo công, dâng hương Nhà tưởng niệm, tham quan Nhà truyền thống, thi tìm hiểu, phát huy tốt các hình thức giáo dục như: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án, mỗi tuần học một điều luật”, “tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp”… 

Việc tổ chức những hội thi như thế này đã tạo không khí học tập vui tươi, tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, từ đó góp phần bồi đắp cho mỗi quân nhân nền tảng kiến thức pháp luật vững vàng, chủ động phòng tránh, hạn chế các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật vì thiếu hiểu biết, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội thâm nhập vào đơn vị, góp phần đưa Sư đoàn ngày càng vững mạnh...

Đọc thêm